Xử lý ra sao nếu sản xuất, buôn bán rượu giả?

Thời gian vừa qua, cơ quan chức năng phát hiện không ít trường hợp sản xuất, buôn bán rượu giả.

Điển hình, ngày 5-1 phòng Cảnh sát Kinh Tế (PC03) Công an TP.HCM phối hợp với Công an quận 12 lập hồ sơ, điều tra, xử lý vụ sản xuất, mua bán rượu giả trên địa quận 12, TP.HCM.

Công an phát hiện số lượng lớn rượu ngoại giả thành phẩm. Ảnh: NT

Theo đó, trinh sát phát hiện nhiều chai rượu với nhãn hiệu Chivas, Hennessy giả, đã được pha chế theo công thức: pha bốn chai rượu Vodka thật với một chai rượu thật cùng hóa chất, hương liệu để cho ra năm chai rượu ngoại giả.

Việc sử dụng các loại hóa chất để sản xuất rượu giả có thể gây nguy hiểm lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định.

Theo luật sư Lê Văn Hoan, đoàn luật sư TP.HCM cho biết: việc pha trộn rượu với hóa chất hoặc phụ gia thực phẩm sau đó đóng chai theo nhãn hiệu khác đó là hành vi làm giả.

Theo khoản 7, Điều 3 Nghị định 98/2020 thì hàng giả bao gồm: Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa; Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả;…

Theo đó, hành vi pha trộn rượu với hóa chất hoặc phụ gia thực phẩm sau đó đóng chai theo nhãn hiệu khác có thể bị xử lý nặng.

“Người vi phạm có thể bị xử lý về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” được quy định tại Điều 193 BLHS. Khung hình phạt cao nhất đối với với tội danh này là đến chung thân, trường hợp pháp nhân phạm tội thì mức phạt cao nhất đến 18 tỉ đồng. Trường hợp chưa đến mức bị xử lý hình sự thì người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 98/2020. Ngoài ra, người vi phạm sử dụng hóa chất hoặc vi phạm trong việc sử dụng phụ gia thực phẩm để chế biến thì con bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 115/2018”, luật sư Hoan cho biết thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm