Xử lý ra sao nếu bán heo nhiễm bệnh?

Hiện nay, không ít trường hợp cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện heo bị nhiễm bệnh bị tuồn ra thị trường do những cá nhân không có ý thức. Những hành vi đưa heo nhiễm bệnh ra thị trường sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Heo nhiễm bệnh vẫn bán “chui”

Bệnh dịch tả heo châu Phi bùng phát khá nhanh ở các tỉnh phía Bắc. Trên thực tế, người dân vẫn bán “chui” heo mắc dịch tả châu Phi. Việc buôn bán này gây hậu quả khá nghiêm trọng.

Việc buôn bán heo bị nhiễm bệnh sẽ bị xử lý theo quy định. Ảnh: Châu Nguyên

Bên cạnh đó, gần đây cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra và phát hiện một số trường hợp heo bị mắc lở mồm long móng tại chợ Bình Điền (TP.HCM). Vì lợi nhuận mà nhiều tiểu thương bất chấp tìm mọi cách đưa heo sống và heo làm sẵn bị lở mồm long móng vào tiêu thụ.

Hiện nay có khá nhiều người tiêu dùng “tẩy chay” với thịt heo vì ngại mua nhầm heo mắc  bệnh. Việc người dân quay lưng với thịt heo ảnh hưởng khá lớn đến ngành chăn nuôi, mặc dù những hành vi đưa heo bệnh vào thị trường để tiêu thụ chỉ do một vài đối tượng không có ý thức.

Tùy từng tính chất mức độ hành vi để xử phạt

Theo luật sư Trần Vân Linh, đoàn luật sư TP.HCM, việc kinh doanh, vận chuyển, cung cấp động vật, sản phẩm từ động vật để chế biến thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch do không qua kiểm dịch hoặc không thực hiện đúng các quy định của cơ quan y tế, thú y thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y hoặc về an toàn thực phẩm hoặc truy cứu trách nhiệm tùy vào hành vi, mức độ vi phạm.

Cụ thể, hành vi giết mổ, mua bán động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh thì bị phạt từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng theo Điểm a Khoản 7 Điều 7 NĐ90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 về XPVPHC trong lĩnh vực thú y.

Đối với các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm thì mức xử phạt VPHC sẽ rất cao: Mức phạt tiền đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tiền từ 5 lần đến 7 lần giá trị sản phẩm vi phạm nếu cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch hoặc động vật bị tiêu hủy theo Khoản 4, 5 Điều 4 Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 về an toàn thực phẩm.

Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng như làm chết người hoặc gây ngộ độc cho nhiều người thì mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm