Phạt nặng nếu bán thức ăn gây ngộ độc

Ngộ độc thực phẩm là hiện tượng người bị trúng độc, ngộ độc do ăn, uống phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ngộ độc hoặc thức ăn bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia…

Hiện nay, không ít những trường hợp người tiêu dùng bị ngộ độc thực phẩm do dùng thực phẩm chế biến sẵn tại cửa hàng, nhà hàng… Điển hình trường hợp 88 người có các triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy và nhập bệnh viện; các bệnh nhân khai nhận có ăn bánh mì kèm nhân (thịt nguội, chả, sốt trứng, pate, dăm bông, đồ chua và rau sống) mua tại cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh mì ở Đà Nẵng.

Các du khách đang được điều trị tại bệnh viện trong một vụ ngộ độc xảy ra khu du lịch biển Hải Tiến (Thanh Hóa). Ảnh: Đ.TRUNG

Thêm vào đó, thời gian qua cũng không ít trường hợp người dân ăn tại một số nhà hàng rồi bị ngộ độc thực phẩm.

Trên thực tế, nhiều trường hợp sau khi bị ngộ độc thực phẩm người bị ngộ độc vẫn không rõ nếu muốn bồi thường thì ai sẽ bồi thường, bồi thường như thế nào? Mức phạt cho cơ sở gây ngộ độc là như thế nào? Để giải đáp những thắc mắc trên của bạn đọc, luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết:

Tại  Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 nêu rõ người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

Trường hợp cơ sở vi phạm, gây ngộ độc thực phẩm có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, với mức phạt tiền 40-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của 1-4 người;

Phạt tiền 80-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của năm người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

Ngoài ra, về trách nhiệm dân sự: Để xác định ai sẽ bồi thường khi có trường hợp ngộ độc xảy ra cần phải xác định được nguyên nhân gây ngộ độc và cá nhân, tổ chức gây ra ngộ độc.

Theo đó, nếu việc khách hàng bị ngộ độc thực phẩm do lỗi của cơ sở, cá nhân nào thì cơ sở, cá nhân đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra cho khách hàng theo theo quy định tại chương 20 Bộ luật Dân sự về “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Trường hợp thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm thì người có lỗi phải bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 590, bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe ... Ngoài ra, người có trách nhiệm bồi thường còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM thông tin về kết quả xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP trên địa bàn TP. Theo đó, trong tháng 7-2019, Ban quản lý ATTP đã ban hành 84 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm về ATTP với tổng số tiền phạt là gần 1,3 tỉ đồng.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm