Ăn nhiều đường ăn kiêng liệu có tốt cho sức khỏe?

Dùng quá liều sẽ phản tác dụng

Mặc dù đường nhân tạo là thực phẩm tạo vị ngọt không chứa đường hay calorie, tuy nhiên các chuyên gia y tế khuyến cáo người sử dụng nên thận trọng với đường ăn kiêng, theo Washington Post.

Các chuyên gia cho rằng mặc dù không chứa năng lượng nhưng các chất làm ngọt nhân tạo có thể đánh lừa bộ não, khiến nó thèm các loại đường đơn khác, điều đó sẽ làm tăng lượng calorie tiêu thụ.

Tiến sĩ Dana Small, Giám đốc trung tâm nghiên cứu về dinh dưỡng và thể chất tại Đại học Yale, cho biết việc sử dụng các chất tạo ngọt cùng với tinh bột, đường có thể khiến cơ thể phản ứng bất thường với insulin. Dù tốt hay xấu, các chuyên gia đều cho rằng nên hạn chế hoàn toàn thức uống có ga và thay thế nó bằng nước lọc.

Trong khi đó, chuyên gia dinh dưỡng Jessica Murgueytio cho biết: "Tôi cũng khuyên các bệnh nhân của mình không nên sử dụng đường nhân tạo quá nhiều bởi chúng ta vẫn chưa hiểu rõ tác động lâu dài của nó lên cơ thể và sức khỏe". Bà cũng cho rằng liều lượng và mức độ sử dụng chính là yếu tố quyết định tác dụng hay tác hại của nó.

FDA cũng đưa ra khuyến cáo, tất cả mọi người đều không nên dùng nhiều đường ngọt, kể cả đường ăn kiêng, chỉ dùng khi quá thèm ngọt. Bên cạnh đó, không dùng nhiều hơn mức khuyến cáo 20mg/người/ngày (tương đương bốn muỗng cà phê đường). Đây là liều lượng đường thông thường cho người bình thường. Đối với người bị đái tháo đường hoặc béo phì thì việc dùng đường nào, dùng bao nhiêu cần được tư vấn trực tiếp bởi bác sỹ điều trị.

Dù là đường ăn kiêng hay đường thông thường, cũng nên cân nhắc khi sử dụng. Ảnh:ucancook

Lựa chọn đường ăn kiêng đúng loại

BS-CKI Lê Kim Huệ, Nguyên Trưởng khoa Truyền thông, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết đường nhân tạo gồm nhiều loại.

Đơn cử như đường saccharin, ngọt gấp 300 - 500 lần đường thường, không bị hủy do nhiệt, mức an toàn để sử dụng là 5mg/kg/ngày. Đường Aspartam lại dễ bị hủy do nhiệt nên chỉ sử dụng khi chế biến xong, chúng có độ ngọt gấp 160 - 200 lần đường thường, mức an toàn 40mg/kg/ngày. 

Đường Sucralose có độ ngọt gấp 600 lần đường thường, ổn định với nhiệt độ, mức an toàn 9mg/kg/ngày. Đường Acesulfam K có độ ngọt gấp 200 lần đường thường, ổn định với nhiệt độ nhưng khi sử dụng riêng có vị hơi đắng nên cần kết hợp các chất tạo ngọt khác, mức an toàn 15mg/kg/ngày. Trong khi đó đường Cyclamat lại có độ ngọt thấp nhất trong các chất tạo ngọt nhân tạo, bền với nhiệt độ, liều lượng 11mg/kg/ngày.

Tuy nhiên các chất tạo ngọt trên thường được sử dụng trong công nghiệp dược phẩm, thực phẩm, không dùng chế biến bữa ăn hàng ngày. Nhưng thực tế, không ít người nhầm lẫn đường ăn kiêng không hại nên lạm dụng.

Song cũng nằm trong nhóm đường ăn kiêng, nhưng đường được chiết xuất từ cây cỏ ngọt lại an toàn cho sức khỏe, mặc dù chúng có độ ngọt gấp 300 lần so với đường thường, không tăng đường huyết, không tăng năng lượng.

Bên cạnh đó, đường tự nhiên từ trái cây, mật ong, mật đường… cũng là các loại đường tốt cho sức khỏe hơn đường thường hoặc các loại đường thay thế. 

 Tuy nhiên, cần lưu ý có một số trái cây có chỉ số đường huyết khá cao như dưa hấu, nhãn, sầu riêng… người bệnh đái tháo đường và béo phì nên hạn chế vì sử dụng nhiều sẽ gây tăng cân, tăng đường huyết.

Theo BS Huệ, đường ăn kiêng nên được sử dụng đúng cách về cả loại và liều lượng để giúp người bệnh thỏa mãn nhu cầu ăn uống, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Mặc dù nhãn mác trên thực phẩm có ghi "sugar-free" (không chứa đường) thì không có nghĩa là hoàn toàn không có calorie. Sử dụng quá nhiều thực phẩm sugar-free, bạn có thể vẫn tăng cân nếu các thành phần khác trong sản phẩm có chứa năng lượng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm