Ăn gạo lứt kiểu này dễ bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật

Gạo lứt được xem là loại thực phẩm đại diện cho chế độ ăn uống lành mạnh. So với gạo trắng, gạo lứt ít được chế biến hơn và chỉ loại bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài, vẫn còn giữ lại lớp cám và mầm rất giàu chất dinh dưỡng.

Theo rất nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra ăn gạo lứt có thể giúp kiểm soát cân nặng tốt hơn và giúp giảm cân bởi vì lượng chất xơ có trong gạo lứt nhiều hơn các loại ngũ cốc tinh chế như gạo trắng hoặc bánh mì trắng, mì ống trắng.

Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với gạo lứt đảm bảo an toàn thực phẩm. Nói rõ hơn về điều này, ông Nguyễn Thanh Nhị, Giám đốc Công ty Đầu tư Phát triển công nghệ An Đình (sản xuất và xuất khẩu gạo), cho rằng bản chất gạo lứt cung cấp tinh bột rất tốt cho sức khỏe nhờ lớp cám bên ngoài không bị mất. Tuy nhiên, nếu gạo không được sản xuất sạch thì chính lớp cám gạo này là thủ phạm gây bệnh cho người dùng.

Theo ông Nhị, lớp cám gạo chứa nhiều dầu thực vật tự nhiên. Dầu này là dung môi hòa tan và thẩm thấu rất mạnh các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, chất độc hại… Còn với gạo xay xát bình thường, do đã mất lớp dầu thực vật tự nhiên nên hàm lượng chất độc hại thẩm thấu giảm đáng kể.

“Do đó, nếu lựa chọn ăn gạo lứt thì phải là gạo được sản xuất theo quy trình sạch, quy trình organic, không phân, thuốc… Nếu không đủ điều kiện để sử dụng gạo lứt organic với chi phí khá cao thì tốt nhất nên ăn gạo thường”- ông Nhi bày tỏ.

Gạo lứt chỉ tốt khi ăn gạo được canh tác an toàn. Ảnh: Nguyên Hà

TS Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch hội Dinh dưỡng TP.HCM, cũng công nhận lớp vỏ lứt (lớp cám) trong gạo chứa rất nhiều dinh dưỡng, khoáng chất và vitamin. Do đó nếu gạo được trồng theo quy trình GAP, organic thì khi xáy sát theo cách xay dối, để giữ lại lớp cám, người dùng sẽ ít hoặc không bị ảnh hưởng bởi thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, chất độc hại còn tồn dư trong gạo.

Lý giải điều này, ông cho biết, thông thường các loại thuốc trừ sâu hay bảo vệ thực vật… “kị nước” ưa béo, mà trong lớp vỏ cám lại chứa nhiều chất béo, do đó các loại thuốc này rất dễ thẩm thấu và bám vào.

“Nếu canh tác theo quy trình không kiểm soát thì thuốc bảo vệ thực vật, hay phân bón hóa học… sẽ khó phân giải hoặc thời điểm phun thuốc, bón phân gần thời điểm thu hoạch thì khi xay sát gạo, các chất này sẽ thẩm thấu vào bên trong lớp vỏ lứt của hạt gạo. Về lâu dài, người ăn sẽ nạp vào cơ thể nhiều chất độc hại, gây ra các bệnh mãn tính, thậm chí là ung thư”- TS Đồng nói.

Cũng theo vị này, ở gạo khi chế biến thành gạo lứt, chính lớp vỏ lứt này chứa rất nhiều vitamin B, chất béo không no, chất xơ tốt cho sức khỏe. “Chính vì thế chúng luôn tốt hơn so với gạo trắng đánh bóng thông thường. Gạo trắng thông thường, qua quá trình xay sát sẽ mất hết lớp vỏ cám bên ngoài, chỉ còn lại phần tinh bột. Tuy nhiên nói vậy không có nghĩa là cổ xúy cho việc ăn gạo trắng không tốt cho sức khỏe bởi nó cũng cung cấp nhóm tinh bột cho cơ thể, đáp ứng nhu cầu sử dụng của rất nhiều người”-TS Đồng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM cũng bày tỏ sự đồng tình về các quan điểm trên. Ông cho rằng việc ăn gạo thô (còn nguyên cám hoặc xát dối) luôn tốt hơn gạo chà xát kỹ do giữ được các chất dinh dưỡng ở lớp vỏ cám. “Tuy nhiên, khi dùng gạo này người tiêu dùng cần lưu ý chọn gạo canh tác an toàn, gạo hữu cơ vì lớp cám ở bên ngoài rất dễ nhiễm dư lượng hóa chất nếu canh tác không tốt”- ông chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm