7 loại thức ăn tưởng an toàn nhưng lại chứa chất cực độc

Có những loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe nhưng lại trở nên cực độc, đe dọa đến tính mạng của bạn khi chế biến sai cách. Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã chỉ ra 7 loại thực phẩm chứa chất cực độc mà người nội trợ nên lưu ý để chế biến sao cho an toàn.

1. Măng tươi

Theo Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai trong măng tươi chứa rất nhiều cyanid, đây là một loại độc tố có khả năng gây ngộ độc cho con người. Cyanide là gốc acid, mà hợp chất của nó bao gồm các muối và acid, có đặc tính rất độc, liều nặng có thể gây tử vong qua đường tiêu hóa.

Khi người ăn phải măng có chứa nhiều cyanid khi vào cơ thể, dưới tác dụng của những dịch vị enzyme đường tiêu hóa lập tức biến thành acid cyan andrid (HCN)- 1 chất cực độc với cơ thể.

Trong măng tươi chứa rất nhiều cyanid, đây là một loại độc tố có khả năng gây ngộ độc cho con người. Ảnh: Internet

Cụ thể 1 người 50 kg chỉ cần ăn phải 50 mg là có thể tử vong. Tùy theo hàm lượng Cyanide có trong măng mà người ăn có biểu hiện ngộ độc ở mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Các triệu chứng thường xuất hiện sau khi ăn măng khoảng từ 5-30 phút. Trường hợp nhẹ thì biểu hiện sợ hãi, lo lắng, chóng mặt, đau đầu, rối loạn ý thức, buồn nộ, nôn, kích thích niêm mạc đường hô hấp…Trường hợp nặng có biểu hiện co giật, cứng hàm, duỗi cứng, giãn đồng tử, suy hô hấp, tím tái, hôn mê. Nặng hơn nữa sẽ ngừng thở.

2. Mật cá

Đã có khá nhiều trường hợp bị ngộ độc do ăn phải mật cá, đặc biệt là mật cá trắm vì tin rằng đây là liều thuốc chữa bệnh xương khớp, cải thiện sinh lý...

Tuy nhiên các cơ quan y tế cũng cảnh báo trong mật cá chứa chất độc cyprinol. Chất này chỉ có ở mật, gan và tụy của cá nước ngọt chứ không có ở thịt cá. Triệu chứng ngộ độc sau khi nuốt mật cá (có thể sau vài phút, có thể lâu hơn) là đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, viêm ống thận cấp. Trường hợp nặng có thể phù não, phù phổi, viêm tế bào gan cấp…

3. Cà chua xanh

Cà chua là một loại quả có nhiều vitamin B, C rất tốt cho sức khỏe nhưng đó chỉ là khi ăn cà chua đã chín đỏ. Còn nếu ăn cà chua còn xanh thì lại rất độc hại bởi hàm lượng tomatidine rất cao, có thể lên tới 58mg/100g cà chua xanh khiến người ăn phải dễ bị ngộ độc.

Triệu chứng phổ biến sau khi ăn cà chua xanh là đau đầu chóng mặt, nôn ói, nhểu nước dãi… Nếu không cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm tới tính mạng. Ngoài ra, Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai cũng lưu ý khi chế biến cũng có thể loại bỏ hạt cà chua vì chúng rất khó tiêu.

4. Thịt cóc

Theo dân gian thịt cóc giúp trẻ hết biếng ăn và chữa còi xương, nên được nhiều bậc phụ huynh chế biến làm thức ăn cho trẻ. Tuy nhiên chính món ăn này lại mang nhiều hiểm họa khi trong gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) của cóc chứa bufotoxine - một chất cực độc, bền với nhiệt. Nếu chế biến không kỹ, chất độc này có thể gây chết người trong thời gian rất ngắn. Ước tính lượng bufotoxin trong một con cóc có thể gây chết cho 4-5 người khỏe mạnh.

Trong gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) của cóc chứa bufotoxine - một chất cực độc, bền với nhiệt. Ảnh: Internet

Tỉ lệ tử vong do ngộ độc thịt cóc rất cao. Có người qua được cơn nguy kịch thì bị suy thận, vô niệu... Cạnh đó, cóc rất bẩn, có nhiều giun sán, ký sinh trùng. Người bị ngộ độc có thể thấy tê môi, buồn nôn, nôn, rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh, hồi hộp, tụt huyết áp, hoảng hốt vì thế sinh ra ảo giác, co giật.

5. Khoai tây mọc mầm

Lý do khoai tây mọc mầm được xếp vào thực phẩm gây độc là bởi mầm của chúng chứa một lượng lớn chất solanine và chaconine, là hai chất rất độc. Ở điều kiện bình thường, hàm lượng chất solanine và chaconine trong củ khoai tây rất ít (trong 100 gr khoai mới có 10 mg nên không gây ngộ độc). Khi khoai tây mọc mầm thì hàm lượng chất này tăng cao, có khả năng gây ngộ độc cho người nếu ăn phải. Những chất này tập trung vùng vỏ khoai có màu xanh, tím.

Khi bị trúng độc khoai tây mọc mầm, người bệnh có biểu hiện khô cổ họng, khó thở, nôn mửa, tê lưỡi, đau bụng tiêu chảy, chóng mặt… Nặng hơn nữa có thể dẫn tới nhiệt độ cơ thể tăng cao đột ngột, sau đó co giật, hôn mê, suy hô hấp, thậm chí tử vong.

6. Củ sắn (khoai mì)

Trong vỏ sắn có một heteroizit bị thuỷ phân trong nước thành acid cyanhydric, aceton và glucose vì vậy độc tính của sắn chủ yếu là do acid cyanhydric. Triệu chứng ngộ độc sắn thường thấy là đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, chóng mặt, nhức đầu. Nặng hơn có thể sẽ khiến cơ thể co giật, đồng tử giãn, hôn mê, suy hô hấp cấp dẫn tới tử vong.

Tuy nhiên cũng giống như các thực phẩm khác, nếu chế biến đúng cách thì sắn lại là thực phẩm tốt cho cơ thể. Để tránh bị ngộ độc sắn, trước khi ăn người ta bóc vỏ sắn thật sạch, sau đó ngâm sắn trong nước trước khi luộc. Ở sắn, chất độc tập trung nhiều ở phần vỏ và ruột sắn (phần xơ).

7. Cá nóc

Trong rất nhiều năm nay, cá nóc luôn được các nhà chức tránh khuyến nghị không nên sử dụng khi không biết cách chế biến. Trong cá nóc chứa chất độc có tên gọi là tetrodotoxin, độc hại gấp 1.250 lần chất độc của cyanide.

Cá nóc không tự cấu tạo độc tố trong cơ thể mà nó được tích tụ và truyền qua bởi những vi khuẩn tên là pseudomonas, một loại vi khuẩn độc hại, hình dạng dài như chuỗi hạt dài. Độc tố trong cá nóc chủ yếu tập trung ở buồng trứng, gan, tụy, ruột và một phần nhỏ trong máu, da, thịt.

Người ăn cá nóc khi bị trúng độc, bắp thịt bị co cứng, đầu óc cảm thấy choáng váng, cơ thể rã rời, nhức đầu, nôn mửa, khó thở. Khoảng 60-80% nạn nhân sẽ tử vong trong vòng 4-6 giờ, hiện nay khoa học chưa tìm ra thuốc giải độc. Tuy nhiên, cá nóc chỉ độc nếu như không biết làm sạch và chế biến đúng cách.

Như vậy, với các thực phẩm ẩn chứa mầm chất độc hại trên, người tiêu dùng nên tìm hiểu cách chế biến cũng như không sử dụng thực phẩm khi không biết cách làm. Điều này tránh được việc ngộ độc lại đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm