Yêu cầu đình chỉ một loạt kiểm lâm ở Bình Định

Ngày 20-9, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, chủ trì cuộc họp với các cơ quan chức năng, liên quan để xử lý vụ phá rừng tại xã An Hưng, huyện An Lão.

Ông Dũng nhận định đây là vụ phá rừng hết sức nghiêm trọng, diện tích bị thiệt hại rất lớn. Ông Dũng cho biết Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương rất quan tâm vụ việc này. Với cương vị là chủ tịch UBND tỉnh, ông Dũng phải làm kiểm điểm, báo cáo Thủ tướng.

UBND tỉnh Bình Định họp xử lý vụ phá rừng quy mô lớn.

Đình chỉ hai kiểm lâm

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đặt ra nghi vấn vì sao chỉ có một con đường độc đạo đi qua chốt bảo vệ rừng là trạm kiểm lâm tại xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn nhưng không lực lượng nào phát hiện gỗ bị mang ra khỏi rừng. Ông Dũng cho rằng đó là điều rất lạ.

“Tất cả các cán bộ liên quan đến vụ việc này đều phải bị xử lý nghiêm túc. Phải làm cho ra ai chủ mưu, cầm đầu thực hiện vụ phá rừng này. Đây là cả uy tín, danh dự, trách nhiệm của tỉnh với trung ương. Trước mắt, tôi yêu cầu các cơ quan liên quan tập trung xử lý nghiêm túc các cán bộ liên quan đến vụ việc này tại các huyện An Lão, Hoài Nhơn, kể cả trách nhiệm quản lý của Hạt Kiểm lâm.

Tôi yêu cầu tạm đình chỉ công tác ngay đối với hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, kiểm lâm phụ trách địa bàn xã An Hưng. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm An Lão dù đang đi học cũng phải nghiêm túc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm. Kiểm điểm, xử lý nghiêm túc Trạm Kiểm lâm Hoài Sơn trong công tác quản lý, phối hợp. Tôi yêu cầu chủ tịch UBND huyện An Lão, chủ tịch UBND xã An Hưng, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, giám đốc Sở NN&PTNT cũng phải kiểm điểm nghiêm túc, báo cáo kết quả”.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết ngay sau cuộc họp trên, ông sẽ làm việc riêng với lãnh đạo Công an, VKSND, TAND tỉnh, giám đốc Sở NN&PTNT, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm để sớm làm rõ vụ việc, xử lý theo quy định pháp luật. “Liên quan đến vụ án này, tôi sẽ làm việc với tinh thần kiên quyết, bằng mọi giá phải làm cho ra vụ việc này” - ông Dũng nhấn mạnh.

Các lực lượng chức năng tỉnh Bình Định kiểm tra hiện trường vụ phá rừng.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết Sở đã và đang tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các kiểm lâm liên quan đến vụ phá rừng trên. Trước mắt, Sở NN&PTNT đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với kiểm lâm trực chốt chặn tại xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn và kiểm lâm phụ trách địa bàn xã An Hưng.

Cũng theo ông Hổ, sau khi khởi tố vụ án hủy hoại rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định đã chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan CSĐT công an tỉnh để tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền. VKSND tỉnh cũng đã phân công kiểm sát viên kiểm sát điều tra, thực hiện quyền công tố.

Nghi vấn doanh nghiệp tổ chức phá rừng

Theo ông Hổ, kết quả thẩm định của Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp nông thôn Bình Định cho thấy có đến 60,9 ha rừng gỗ tự nhiên bị triệt phá hoàn toàn. Trong đó có gần 23 ha là rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất. Tổng trữ lượng rừng bị chặt hạ lên đến gần 5.200 m3, trong đó có gần 2.300 m3 của rừng phòng hộ. Toàn bộ diện tích rừng bị chặt hạ, phát trắng đều do UBND xã An Hưng quản lý. Diện tích rừng này tiếp giáp giữa ba huyện An Lão, Hoài Nhơn (Bình Định), Ba Tơ (Quảng Ngãi).

Tổng trữ lượng rừng bị chặt hạ lên đến gần 5.200 m3.

Theo ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão, lãnh đạo huyện hết sức ngỡ ngàng khi xảy ra vụ phá rừng quy mô lớn trên. Huyện đã có kế hoạch rất cụ thể về bảo vệ rừng nhưng Hạt Kiểm lâm An Lão triển khai không nghiêm túc.

“Khu vực rừng bị phá cách xã An Hưng 10 km đường rừng, đường đi rất khó khăn. Nếu di chuyển bằng ô tô, xe máy thì phải đi từ xã Hoài Sơn của huyện Hoài Nhơn đi qua địa phận xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi mới đến được vị trí phá rừng. Khi đến hiện trường mới thấy rừng đã bị đốn hạ. Toàn bộ số gỗ, cây rừng bị chặt chỉ có thể chở về xã Hoài Sơn bằng một đường độc đạo đi qua Trạm Kiểm lâm xã Hoài Sơn, cách vị trí phá rừng 5 km. Thế nhưng kiểm lâm lại không phát hiện, không ngăn chặn việc người ta chở gỗ, cây qua lại. Không hiểu vì sao?” - ông Nam nói.

Trong quá trình điều tra vụ phá rừng trên, theo chỉ đạo của Sở NN&PTNT, Đội Kiểm lâm cơ động Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã kiểm tra Nhà máy sản xuất dăm gỗ Trường Sơn của Công ty CP Đầu tư kinh doanh tổng hợp Thương Thảo (đặt tại xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn). Qua đó, các cơ quan chức năng phát hiện gần 20,7 m3 gỗ xẻ, gần 6 m3 gỗ tròn, 28 ster cây rừng đã cháy lem. Toàn bộ số gỗ, cây này không có nguồn gốc hợp pháp. Cơ quan chức năng nghi ngờ số gỗ, cây rừng này được vận chuyển từ khu rừng bị phá. Đội Kiểm lâm cơ động đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số gỗ, cây rừng trên để điều tra.

“Bằng mọi giá phải làm cho ra. Yêu cầu Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các hạt kiểm lâm thường xuyên kiểm tra nguồn gốc gỗ tại các xưởng chế biến sản xuất gỗ trên địa bàn. Nếu địa phương nào có gỗ lậu trong xưởng thì ngay lập tức cách chức hạt trưởng Hạt Kiểm lâm. Họ sản xuất sờ sờ đó mà để vậy là không được! Không biết có sự thông đồng không, phải làm rõ điều này” - ông Dũng chỉ đạo.

Gần 61 ha rừng tự nhiên ở huyện An Lão (Bình Định) bị xóa sổ.

Theo nhận định ban đầu của lãnh đạo các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định, thủ phạm vụ phá rừng quy mô lớn trên chỉ có thể là doanh nghiệp, có khả năng thuê nhân công, tự mở đường, đưa máy móc, thiết bị, phương tiện vào phá rừng. Ngoài việc lấy gỗ, mục đích phá rừng còn để trồng rừng. Thực tế tại hiện trường có nhiều khu rừng bị phá đã được trồng cây keo con.

Hiện Hạt Kiểm lâm huyện An Lão đã nhổ bỏ tất cả 7 ha cây keo vừa được trồng mới trên diện tích rừng bị tàn phá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm