Xử vụ tiêu cực đất đai tại Mũi Né: Có dấu hiệu nhận hối lộ?

Sáng qua (18-3), tòa thẩm vấn hai nguyên chủ tịch phường Mũi Né là Hồ Thanh Tâm, Bùi Văn Duyên và nguyên cán bộ địa chính phường Phạm Văn Tân. Cả ba bị cáo đều nằm trong nhóm tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Đổ lỗi cho nhau

Khi được xét hỏi, ba bị cáo trên liên tục đổ lỗi cho nhau. Để chấm dứt màn đổ tội này, tòa đã triệu tập một số nhân chứng từng là thành viên trong hội đồng xét duyệt đất đai phường Mũi Né từ năm 2002 đến năm 2004. Các nhân chứng đều khẳng định khi đưa các trường hợp đất có nguồn gốc mua bán, lấn chiếm trái phép ra xét duyệt thì nhiều thành viên trong hội đồng đã phản đối. Tuy nhiên sau đó, các trường hợp trên lại được đưa ra xét duyệt lần hai và mọi người được chỉ đạo là nên đồng ý, vì nếu không “các hộ dân sẽ khiếu nại làm mất uy tín của chủ tịch phường”?!

Dù hành vi phạm tội đã rõ nhưng cả Tâm và Duyên vẫn cho rằng mình chỉ “vô tư tạo điều kiện” cho dân nên bị truy tố tội cố ý làm trái là quá nặng. Lập tức công tố viên bác bỏ ngay, khẳng định việc các bị cáo nói mình vô tư, không vụ lợi là vô lý bởi không phải đơn giản là họ muốn xét duyệt, ban phát cho ai thì cho.

Công tố viên cũng công bố việc nguyên cán bộ địa chính Phạm Văn Tân lúc đầu khai đã nhận tiền của một số người khi đưa các trường hợp có đất trái phép vào xét duyệt, về sau lại phủ nhận. Theo VKS, việc cơ quan điều tra không chứng minh được hành vi nhận hối lộ trong vụ này là thiếu sót.

Trả lời các luật sư, cả ba bị cáo nguyên là cán bộ phường Mũi Né đều thừa nhận bảy người dân bị truy tố trong vụ án không hề lừa dối ai. Theo họ, khi được mời đến phường kê khai đất thì các trường hợp này phải khai theo yêu cầu. Đến khi lập hội đồng xét duyệt, những người dân này cũng hoàn toàn không biết gì nên không thể nói họ đã che giấu sự thật để lừa đảo được.

Làm theo chỉ đạo của tỉnh?

Chiều cùng ngày, tòa thẩm vấn nguyên phó giám đốc Sở Địa chính, nguyên phó Ban đền bù giải tỏa tỉnh Cao Phi Hùng và nguyên trưởng phòng Thẩm định pháp lý Ban đền bù giải tỏa tỉnh Nguyễn Văn Năm.

Bị cáo Hùng nhớ rất rõ các mục, điều, khoản của các công văn, nghị định, thông tư liên quan đến công tác đền bù giải tỏa và tranh luận khá gay gắt với tòa cùng đại diện VKS. Cả hai bị cáo đều cho rằng mình đã làm hết trách nhiệm nên việc cố ý làm trái là do Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận. Họ lý giải: Sở Tài chính là chủ tịch Hội đồng thẩm định của tỉnh nhưng lại “bút phê thiếu trách nhiệm” về hồ sơ các trường hợp đền bù (nội dung là Sở Tài chính chỉ thẩm định về giá, Ban đền bù tỉnh chịu trách nhiệm về tính pháp lý của nguồn gốc đất). Tuy nhiên, khi tòa truy: “Thấy bút phê trên sao các bị cáo không báo cáo lên UBND tỉnh mà lại vội vàng chi tiền?” thì hai bị cáo im lặng.

Đổ trách nhiệm cho Sở Tài chính không xong, ngay sau đó bị cáo Hùng lại chuyển hướng trách nhiệm sang cho UBND tỉnh Bình Thuận. Theo Hùng, ngày 16-9-2003, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký công văn gửi các ngành có liên quan cho phép áp dụng một số chính sách đền bù đối với các hộ dân bị giải tỏa của một số dự án trong tỉnh. Đơn vị Hùng là đơn vị cấp dưới, phải làm theo nên việc truy tố Hùng ra tòa là oan.

Dự kiến hôm nay (19-3), tòa sẽ chuyển sang phần tranh luận và tuyên án.

PHƯƠNG NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm