Xử vụ tiêu cực đất đai tại Mũi Né: Băn khoăn về tội lừa đảo

Hôm qua (17-3), trước sự chứng kiến của hàng trăm người dân, TAND tỉnh Bình Thuận đã xử sơ thẩm vụ tiêu cực đất đai tại Mũi Né (Phan Thiết). Ra trước vành móng ngựa là 12 bị cáo, trong đó có năm người nguyên là cán bộ cấp tỉnh và phường.

Ngay sau phần khai mạc, không khí phiên tòa đã nóng lên khi các luật sư bào chữa cho các bị cáo yêu cầu hoãn xử do vắng mặt một số người bị hại, nhân chứng, người có nghĩa vụ liên quan. Ngược lại, công tố viên đề nghị tòa tiếp tục xử vì tất cả lời khai của những người vắng mặt đều có đầy đủ trong bút lục, không ảnh hưởng gì đến vụ án. Dù thế, VKS cũng đề nghị tòa ra lệnh dẫn giải những người vắng mặt trong các ngày xét xử kế tiếp.

Luật sư của hai bị cáo là người dân ở Mũi Né bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã yêu cầu tòa triệu tập chủ tịch UBND TP Phan Thiết và chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận để làm rõ hơn một số tình tiết pháp lý liên quan trong vụ án. Tuy nhiên, sau khi hội ý, tòa thông báo việc này không cần thiết bởi chủ tịch tỉnh đã cử giám đốc Sở Tài chính tỉnh đến tòa nên mọi tình tiết liên quan sẽ được vị này trả lời khi cần thiết.

Sau phần công bố bản cáo trạng dài 27 trang của công tố viên, tòa đã tập trung thẩm vấn nhóm bảy bị cáo là người dân ở phường Mũi Né bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo lời khai của các bị cáo, số diện tích đất được đền bù trái phép đều có nguồn gốc lấn chiếm, mua bán để đào ao nuôi tôm trái phép. Sau khi bị UBND TP Phan Thiết phát hiện, ra quyết định xử phạt hành chính, thu hồi đất giao cho phường Mũi Né quản lý thì họ đã làm đơn xin miễn giảm và được TP chấp thuận. Một thời gian sau, phường Mũi Né đã mời những hộ dân này cùng hàng chục hộ dân khác có đất ở khu vực mà các dự án du lịch chuẩn bị đầu tư đến phường họp. Tại cuộc họp, Ban đền bù giải tỏa tỉnh đã thông báo các hộ dân có đất phải kê khai để được bồi thường.

“Khi đo đất để tính diện tích đều do chính quyền chứ chúng tôi không hề đo, còn khi bảo chúng tôi kê khai đất để nhận đền bù thì có rất nhiều cán bộ của nhiều cấp biết nguồn gốc đất đó là không thể đền bù được” - các bị cáo trả lời, từ đó cho rằng mình bị xử lý về tội lừa đảo là oan ức.

Hồ sơ cũng cho thấy quyết định thu hồi đất giao cho phường Mũi Né quản lý, quyết định xử phạt hành chính, quyết định miễn giảm tiền xử phạt đã được gửi đi nhiều nơi, trong đó có trưởng phòng Địa chính, trưởng phòng Kinh tế, trưởng phòng Tài chính-Vật giá Phan Thiết, chủ tịch phường Mũi Né... Vậy mà không hiểu sao những nơi này lại để cho các hộ dân “qua mặt” kê khai đất nhận đền bù tiền tỷ.

Hôm nay (18-3), tòa sẽ tập trung thẩm vấn năm bị cáo nguyên là cán bộ cấp tỉnh và phường Mũi Né.

“Quan” bật khóc tại tòa

Ngay giữa phiên tòa, khi nhìn thấy vợ con mình, nguyên trưởng phòng thẩm định pháp lý Ban đền bù giải tỏa tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Năm (bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng) đã bật khóc. Một người bạn thường đánh tennis mỗi chiều với bị cáo Năm đã phải thốt lên rằng “sao mà chỉ mới bốn ngày bị bắt giam nhưng bị cáo Năm trông già hẳn đi”.

Chiều qua, sau khi bị còng tay dẫn giải ra xe đưa về trại, nguyên Phó Giám đốc Sở Địa chính, nguyên Phó Ban đền bù giải tỏa tỉnh Cao Phi Hùng đã cố gắng dùng tay che ống kính của một số phóng viên. Tương tự bị cáo Năm, bị cáo Hùng cũng bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

PHƯƠNG NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm