Xử án lao động: Còn sai về thủ tục, nhầm về nội dung

Tòa lao động TAND TP.HCM (Tòa lao động) vừa chỉ ra một số sai sót, vướng mắc trong quá trình các tòa sơ thẩm giải quyết tranh chấp lao động để hướng dẫn về nghiệp vụ chung.

Thiếu hòa giải

Theo Tòa lao động, một sai sót mà cấp sơ thẩm thường mắc phải là thiếu hòa giải trước khi đưa vụ án ra xử.

Điển hình là vụ ông H., một tài xế taxi kiện Công ty B. đòi bồi thường ba tháng lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật. Trước đó, vì “không ưa”, bộ phận điều hành của Công ty B. cho ông H. ngừng việc. Nhiều lần ông đến công ty đề nghị giải quyết không được nên ông đã khởi kiện. Ngược lại, công ty nói vì ông H. vi phạm kỷ luật nên công ty mới chỉ tạm ngưng tay lái để chờ xử lý chứ không phải đuổi việc.

Tòa sơ thẩm đã căn cứ vào lời khai của ông H. xác định đây là vụ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động rồi ra phán quyết. Sau đó, tòa phúc thẩm đã hủy án vì cấp sơ thẩm giải quyết án mà không qua giai đoạn hòa giải là vi phạm tố tụng. Bởi theo quy định, các đương sự phải yêu cầu hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động của cơ quan hòa giải về chuyện tranh chấp. Hòa giải không thành, đương sự kiện thì tòa mới thụ lý, giải quyết.

Tòa lao động lưu ý thêm: Nhiều vụ các đương sự chỉ tranh chấp chuyện chấm dứt hợp đồng lao động có đúng hay không nhưng không ít tòa lại giải quyết luôn hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng lao động như buộc bồi thường tiền lương, tiền thưởng, tiền nghỉ phép năm... Giải quyết như vậy là vượt quá yêu cầu khởi kiện của đương sự.

Xác định sai tranh chấp

“Thời gian qua, cấp phúc thẩm nhận thấy có nhiều tranh chấp lao động là tranh chấp về kỷ luật lao động, đòi tiền lương, trợ cấp... nhưng cấp sơ thẩm lại xác định sai thành tranh chấp về chấm dứt hợp đồng. Xác định sai quan hệ tranh chấp sẽ khiến tòa áp dụng không đúng pháp luật về nội dung” - Tòa lao động nhấn mạnh.

Chẳng hạn vụ ông T. kiện Công ty D. đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật năm 2007. Trước đó, ông T. được nhận vào công ty với hợp đồng không xác định thời hạn. Trước khi ông T. khởi kiện, công ty đã quyết định cho ông thôi việc vì vi phạm nội quy công ty, bị kỷ luật nhiều lần trong thời gian chưa xóa kỷ luật.

Tòa sơ thẩm sau đó đã chấp nhận yêu cầu của ông T. buộc công ty phải bồi thường các khoản như trợ cấp mất việc, tiền phép năm chưa nghỉ... Ở vụ án này, Tòa lao động phân tích: Cấp sơ thẩm xác định đây là tranh chấp về việc chấm dứt hợp đồng. Xác định như vậy là sai vì bản chất của nó phải là quan hệ tranh chấp về kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải.

Tính lương không đúng

Theo quy định, tiền lương làm căn cứ tính chế độ trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc, là tiền lương người lao động thực lãnh hằng tháng trừ đi những khoản không phải lương như tiền làm thêm ngoài giờ, ăn trưa... Tiền lương này phải được tính bình quân sáu tháng liền kề trước khi có sự việc xảy ra, gồm tiền lương cấp bậc, phụ cấp chức vụ (nếu có).

Tòa lao động cho biết nhiều tòa sơ thẩm đã vận dụng không đúng hướng dẫn này. Có tòa lấy tiền lương ghi trong hợp đồng, có tòa cộng tất tần tật các khoản mà người lao động được hưởng để làm căn cứ xử lý.

Đặc biệt, việc các tòa chưa làm rõ số tiền người lao động thực lãnh gồm những khoản gì mà chỉ máy móc lấy theo mức lương trong hợp đồng sẽ gây thiệt thòi rất lớn cho người lao động. Bởi lẽ hiện nhiều công ty thường ký mức lương rất thấp trong hợp đồng so với lương thực tế của người lao động để trốn đóng bảo hiểm.

Không giấy phép: Hợp đồng lao động vô hiệu

Đây là trường hợp người lao động là người nước ngoài. Tòa lao động lưu ý theo hướng dẫn của TAND tối cao, người nước ngoài làm việc từ đủ ba tháng trở lên cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam phải có giấy phép lao động do cơ quan quản lý nhà nước về lao động tỉnh, thành trực thuộc trung ương cấp. Do vậy, khi ký hợp đồng mà họ không có giấy phép hoặc giấy phép đó đã hết hạn thì nếu kiện ra tòa, tòa sẽ tuyên hợp đồng vô hiệu.

Khi giải quyết hậu quả, các tòa sẽ giải quyết quyền lợi cho người lao động theo thời gian lao động thực tế. Tuy nhiên, theo Tòa lao động, hiện vấn đề hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả của nó chỉ mới có những quy định chung nên thực tế rất khó áp dụng. Vì vậy, cần phải có những hướng dẫn cụ thể hơn thì các thẩm phán mới có thể vận dụng thống nhất.

Bắt nộp án phí oan

Tòa lao động cũng cho biết các tòa sơ thẩm chưa lưu ý đến chuyện miễn án phí cho người lao động khiến không ít người phải nộp tiền oan uổng.

Theo quy định, người lao động được miễn án phí trong các hoạt động tố tụng về đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội, đòi tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc bị sa thải, chấm dứt hợp đồng trái luật.

Thế nhưng có tòa bắt người lao động nộp tạm ứng án phí, án phí. Ngược lại, có tòa lại miễn án phí trong trường hợp buộc phải nộp. Có tòa tính án phí nhưng lại nhầm án phí của phần dân sự. Có tòa buộc người lao động tạm nộp án phí phúc thẩm trong khi thuộc trường hợp được miễn...

KHẢI HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm