Xì khí độc ở TP.HCM, trường học và dân phải di tản

Theo thông tin ban đầu, sáng 10-10, một xe bồn chứa khí amoniac (NH3) trong quá trình sang chiết tại trạm chiết nạp gas NH3 tại địa chỉ 217B/7A An Phú Tây - Hưng Long (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM) thì bất ngờ gặp sự cố vỡ đường ống khiến một lượng lớn khí độc thoát ra ngoài.

Vụ xì khí độc khi đang sang chiết khiến bốn người dân bị thương xảy ra vào sáng nay (10-10). Ảnh: H.TÂM

Mùi hôi nồng nặc sau đó lan tràn khắp khu dân cư khiến nhiều người khó thở.

Những người dân gần đó cho biết hai nhân viên sang chiết khí sau đó chạy ra ngoài cầu cứu. “Tôi dùng vòi nước xịt vào người và miệng những người này, họ bị thương và sau đó được đưa đi cấp cứu” - một người dân nói.

Nhận được thông tin, Cảnh sát PCCC huyện Bình Chánh nhanh chóng điều động năm xe chuyên dụng (có một xe xử lý hóa chất) cùng 35 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường xử lý sự cố.
Lực lượng chức năng sau đó phối hợp di dời người dân khu vực và học sinh Trường Tiểu học An Phú Tây 2 cách đó 1 km đến nơi an toàn, đồng thời triển khai các biện pháp xử lý.
Cảnh sát PCCC mang mặt nạ phòng độc tiếp cận xịt nước, phun sương để làm loãng nồng độ khí NH3, đồng thời ngăn không cho khí tiếp tục rò rỉ.
Theo tìm hiểu, sự cố đã khiến bốn người bị thương do hít phải khí NH3. Trong đó có một tài xế, hai công nhân và một người dân. Các nạn nhân sau đó được đưa vào BV Bình Chánh cấp cứu và chuyển lên bệnh viện tuyến trên.
Đến thời điểm hiện tại, cả bốn nạn nhân đã qua khỏi nguy hiểm.

Amoniac có tính ăn mòn. Tiếp xúc với nồng độ cao amoniac trong không khí gây bỏng niêm mạc mũi, cổ họng và đường hô hấp. Điều này có thể phá hủy đường thở dẫn đến suy hô hấp. Hít nồng độ thấp hơn có thể gây ho và kích ứng mũi họng, kích ứng mắt gây chảy nước mắt.

- Tiếp xúc trực tiếp: Nếu tiếp xúc với amoniac đậm đặc, da, mắt, họng, phổi có thể bị bỏng rất nặng. Những vết bỏng có thể gây mù vĩnh viễn, bệnh phổi, hoặc tử vong.

- Nuốt phải: Vô tình ăn hoặc uống amoniac đậm đặc có thể bỏng ở miệng, cổ họng và dạ dày, đau dạ dày nghiêm trọng, nôn.

- Không có bằng chứng cho thấy amoniac gây ung thư. Không có bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với nồng độ amoniac tìm thấy trong môi trường gây ra dị tật bẩm sinh hoặc các hiệu ứng phát triển khác.

Amoniac cần thiết cho sự tổng hợp ADN và protein. Đó là các khối xây dựng cơ bản của cuộc sống. Nó cũng đóng vai trò trong việc duy trì sự cân bằng acid-base. Ngoài ra, vi khuẩn trong đường tiêu hóa phá vỡ các hợp chất thực phẩm khác để tạo thành amoniac. Cơ thể sản xuất khoảng 17 g amoniac mỗi ngày, trong đó khoảng 4 g được hấp thu vào hệ thống tuần hoàn của cơ thể, phần còn lại bài tiết qua nước tiểu.

Lượng amoniac con người hấp thu vào cơ thể từ các nguồn bên ngoài là khoảng 18 mg mỗi ngày, từ đạm và các loại thực phẩm nhất định có chứa phụ gia muối amoni và từ không khí, nước.

Gan người có khả năng chuyển đổi 130 g amoniac thành urê mỗi ngày mặc dù nó thường chỉ hoạt động khoảng 1/8 công suất đó. Do đó, cơ thể con người có thể xử lý bất kỳ amoniac dư thừa như từ một bữa ăn giàu protein hoặc từ phơi nhiễm môi trường. Amoniac được đào thải chủ yếu qua nước tiểu và một ít trong hơi thở. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm