Xe đạp điện, xe điện: Muốn quản lý phải có tiêu chí

Vấn đề này khiến dư luận đặc biệt quan tâm bởi nếu thực hiện thì sẽ ảnh hưởng đến hàng chục ngàn phương tiện đang lưu thông. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cho rằng đây là biện pháp cần thiết nhằm kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT).

Xe đạp điện có tốc độ 70 km/giờ

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho rằng cần phải quản lý bởi nhiều loại xe đạp điện có tốc độ cao tương đương với xe máy, đã có nhiều vụ TNGT liên quan đến loại xe này.

Trả lời báo chí, ông Đỗ Hữu Đức - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho biết theo quy định của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế, chỉ các xe có bàn đạp chân và tốc độ thấp không quá 25 km/giờ mới được gọi là xe đạp điện. Nhưng nay đã có những loại xe được hiểu là xe đạp điện có vận tốc trên 50 km/giờ. Do đó, trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi lần này, Cục đề nghị quản lý xe đạp điện có tốc độ dưới 25 km/giờ như đối với xe thô sơ. Còn đối với những xe hai bánh lắp động cơ điện, có tốc độ và công suất lớn cần phải quản lý như các phương tiện cơ giới khác, nghĩa là phải đăng ký biển số, kiểm tra an toàn kỹ thuật, người ngồi trên loại xe này phải đội mũ bảo hiểm và có bằng lái.

Qua tham khảo của phóng viên tại thị trường Hà Nội thì xe đạp điện khá đa dạng với hàng trăm chủng loại có xuất xứ chủ yếu từ Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc và của các nhà sản xuất trong nước. Giá cả tùy nhãn hiệu và tính năng. Tại các phố Bà Triệu, Khâm Thiên và phố Huế, hầu hết các cửa hàng được hỏi đều cho biết đang sẵn các loại xe đạp có tốc độ 40-50 km/giờ. Cao cấp nhất là xe mang nhãn hiệu Yamaha, tốc độ tối đa lên đến 50 km/giờ và có nấc thay đổi tốc độ như xe số với giá trên 10 triệu đồng/chiếc. Thấp hơn một chút là xe đạp điện hiệu ECO sản xuất từ Trung Quốc, tốc độ lên tới 60 km/giờ. Hiện nay, trên mạng Internet, nhiều người đang quan tâm đến loại xe điện Hitasa X8, được quảng cáo “vận tốc tối đa lên tới 70 km/giờ”. Trên nhiều trang web cũng quảng cáo có nhiều loại xe đạp điện xuất xứ Nhật Bản có vận tốc 60-69 km/giờ.

Chưa có luật nên chưa xử lý

Trung tá Nguyễn Ngọc Loan - Đội trưởng Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT đường bộ - Công an TP.HCM) cho biết lâu nay CSGT chưa nắm bắt được các thông số kỹ thuật của các loại xe đạp điện. Việc muốn cấp biển số xe, giấy đăng ký thì cần phải căn cứ trên các thông số kỹ thuật, nguyên lý cấu tạo sản xuất, chất lượng sản phẩm, tốc độ chạy tối đa... Lâu nay luật quy định những người điều khiển xe có động cơ trên 50 cc (phân khối) trở lên phải có bằng lái. Đằng này, xe chạy bằng điện và xe đạp điện tuy có động cơ nhưng không chạy bằng xi-lanh hay pít-tông thì cần phải có các thông số kỹ thuật mới đưa vào kiểm định được.

Còn quy định người điều khiển xe đạp điện phải có bằng lái thì vướng. Thứ nhất vì lâu nay chúng ta quy định phải đủ 18 tuổi mới đựơc thi lấy bằng lái. Trong khi đa số những người đi xe điện, xe đạp điện là học sinh phổ thông nên chưa đủ tuổi thi lấy bằng. Muốn làm được điều này thì luật cũng cần phải thay đổi. Kế đến, việc CSGT thổi một xe đạp điện vào để kiểm tra có bằng lái hay không thì rất phi lý nếu người điều khiển xe đạp điện không vi phạm lỗi tham gia giao thông nào. Hơn nữa, CSGT cũng khó phân biệt và phát hiện xe đạp điện và xe đạp thông thường nếu không tập trung chú ý. Theo trung tá Loan, muốn quản được loại xe này, luật cần đưa ra những quy định cụ thể và rõ ràng thì mới làm được.

Xe đạp điện, xe điện: Muốn quản lý phải có tiêu chí ảnh 1Đại úy Lê Xuân Roan, Đội 4, Phòng CSGT TP Hà Nội:

Nên xem xét tùy từng địa phương

Qua thực tế tuần tra, kiểm soát trong phạm vi của chúng tôi cho thấy lượng xe đạp điện và xe điện lưu thông rất ít. Ví dụ trong ngày hôm nay, chúng tôi tuần tra tại phố Huế, Đại Cồ Việt thấy người đi xe đạp điện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều khiển phương tiện này chủ yếu đều là người trung niên, tốc độ di chuyển khá chậm, khoảng 10-15 km/giờ. Về thái độ chấp hành luật lệ giao thông thì những người điều khiển chấp hành khá tốt, tuy nhiên vẫn còn một số người khi có đèn đỏ vẫn băng qua. Chúng tôi chỉ nhắc nhở, không phạt vì loại này không có quy định nào điều chỉnh.

Đối với việc đề nghị đưa xe đạp điện vào diện quản lý như các phương tiện cơ giới khác và điều khiển phải đội mũ bảo hiểm, cá nhân tôi cho rằng tùy vào tình hình ở địa phương để quyết định việc đội hay không đội mũ bảo hiểm khi lưu thông đối với từng loại xe. Ở Hà Nội, xe đạp điện khá ít nhưng ở một số tỉnh, thành khác thì rất nhiều, có nhiều loại tốc độ có thể lên đến 40-50 km/giờ. Đây là vấn đề cần phải xem xét.

Xe đạp điện, xe điện: Muốn quản lý phải có tiêu chí ảnh 2Anh Hồng, chủ cửa hàng xe đạp điện ngã tư Chùa Bộc:

Cần phân biệt xe điện và xe đạp điện

Tôi mới nghe qua việc Bộ GTVT đề xuất đưa xe đạp điện vào diện phải quản lý đăng ký, đăng kiểm. Bản thân tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần phải xem xét kỹ trước khi đưa ra quyết định. Ở đây, tôi xin lưu ý cần phải phân biệt rõ ràng xe điện hay xe đạp điện. Tại cửa hàng chúng tôi chỉ bán xe đạp điện Viha, loại này tốc độ tối đa chỉ có 25 km/giờ. Còn trên thị trường hiện có khá nhiều loại xe được gọi là xe điện. Loại này khác với xe đạp điện là không có bàn đạp và chỉ dùng bình ắc-quy. Tốc độ tối đa của loại xe điện này có thể lên tới trên 50 km/giờ. Đây mới là phương tiện cần phải quản lý đăng ký, đăng kiểm và đội mũ bảo hiểm khi lưu thông. Còn nếu quản lý cả loại xe điện có tốc độ dưới 25 km/giờ thì sẽ tăng các chi phí cho người tiêu dùng, gây phiền nhiễu cho dân.

THÁI SƠN

THÁI SƠN - VĂN THUẬT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm