Xã Hải Lộc (Thanh Hóa): Diêm dân oằn vai đóng quỹ xã

Đường dẫn về làng muối Hải Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) là đường đất gập ghềnh, chi chít ổ gà. Phó Chánh Thanh tra UBND huyện Hậu Lộc Hoàng Đình Lâm cho biết đây là một trong những xã nghèo nhất huyện, có tới 60% hộ thuộc diện nghèo. Thế nhưng hàng chục năm qua, người dân ở đây phải è cổ đóng nhiều khoản thu, trong đó có nhiều khoản thu bất hợp lý.

Đối với người dân, tháng đáng lo nhất là tháng 5 hàng năm, lúc chính quyền xã thông báo các khoản thu phải nộp trong năm và ra rả thúc giục nộp trên loa phát thanh xã sớm, trưa lẫn chiều tối. Người dân phải nộp tiền đúng thời hạn quy định, nếu chậm nộp thì phải lựa chọn giữa nhận nợ để chịu lãi hoặc cắt điện, ngưng mọi giao dịch với chính quyền xã.

Hộ nghèo: Phải nộp tới 30% thu nhập

Ở Hải Lộc, mỗi gia đình đều có một quyển sổ kế hoạch gia đình ghi các khoản đóng góp hàng năm cho xã. Ngoài các khoản phí, lệ phí hợp pháp do trung ương, tỉnh, huyện ban hành, người dân Hải Lộc mỗi năm còn phải nộp nhiều khoản thu do xã tự đặt ra.

Quyển sổ của gia đình ông Phạm Văn Do ghi năm 2004, nhà ông phải đóng tới 14 khoản thu, tổng cộng gần 800 ngàn đồng. Năm 2005, lên tới 16 khoản thu, tổng cộng hơn 1,5 triệu đồng, gần gấp đôi năm trước. Năm 2006, số tiền tăng lên đến 1,9 triệu đồng. Hai năm 2007, 2008, số tiền có ít hơn, khoảng 1,2 triệu đồng/năm. Tính ra trung bình mỗi năm gia đình ông phải nộp hơn 1,3 triệu đồng cho các khoản tiền quỹ, thuế, phí. Trong khi đó, gia đình ông Do chỉ có nguồn thu chủ yếu từ 700 m2 ruộng muối, năm trúng mùa bán được khoảng bốn triệu đồng, năm mất mùa chỉ còn khoảng hai, ba triệu đồng. Trung bình mỗi năm nhà ông đóng cho xã chiếm khoảng 30%-50% tổng thu nhập.

Trong các khoản tiền người dân Hải Lộc phải đóng hàng năm có những khoản rất nặng, năm nào cũng có là tiền đóng góp xây dựng, khi thì xây dựng đường bê-tông, khi thì xây dựng nhà văn hóa, rồi cổng làng... Nhưng thực tế đến nay chưa có công trình nào được xây dựng dù tiền đã được huy động nhiều năm qua. Thế nhưng ít khi người dân được lấy ý kiến trước khi xã quyết định xây dựng các công trình công cộng cần sự đóng góp của dân, nếu có lấy ý kiến thì cũng không được xã tiếp thu.

Cắt điện vì nợ phí, quỹ

Dân xã Hải Lộc còn chịu nhiều khoản tiền phạt vô lý khác như phạt 200 ngàn đồng mỗi năm nếu nhà nào không có hố xí hợp vệ sinh. Chỉ đến khi xây xong hố xí, mời ủy ban đến kiểm tra và cấp giấy chứng nhận nhà tiêu hợp vệ sinh thì mới hết bị phạt. Anh Đỗ Văn Hòe (thôn Trường Nam) thừa nhận: “Chỉ biết những lời “ông” ủy ban nói ra là phải làm, phải nộp”. Chị Bùi Thị Hợp nói: “Ai thắc mắc, cự cãi về các khoản thu sẽ được đưa về ủy ban, phải nộp 100-200 ngàn đồng rồi mới được thả về, không có hóa đơn, chứng từ gì cả. Một vài lần như vậy, dân sợ rồi an phận suốt bao năm qua”.

Nhà anh Nguyễn Văn Đông ở thôn Trường Nam chẳng có vật gì đáng giá quá 50 ngàn đồng. Nhà chỉ có hai cái giường, chân giường nào cũng khập khiễng phải kê gạch, ba chiếc ghế nhựa thủng lỗ chỗ. Hai cánh cửa nhà bị hư bản lề được tháo ra dựa vào tường, đến đêm mới lắp hờ vào để che bớt gió. Hai vợ chồng anh làm thuê làm mướn khắp nơi vẫn không đủ ăn. Hai đứa con anh đứa lớn 15 tuổi ra Hà Nội rửa bát thuê, còn đứa nhỏ nghỉ học ở nhà. Anh Đông không nhớ được trước đây đã bao nhiêu lần cán bộ xã đến nhà để săm soi nhưng không có gì đáng giá để siết nợ. Anh lắc đầu buồn bã: “Năm năm nay, nhà tôi bị cắt điện vì nợ tiền phí, quỹ”.

Sổ kế hoạch gia đình của một số hộ dân, tổng số tiền phải nộp lên tới hơn nửa triệu đồng đến trên một triệu đồng/hộ.
Sổ kế hoạch gia đình của một số hộ dân, tổng số tiền phải nộp lên tới hơn nửa triệu đồng đến trên một triệu đồng/hộ.

80% khoản thu trái luật

Trả lời phóng viên, Chánh văn phòng UBND xã Hải Lộc Dương Văn Hùng cho biết hiện nay, biện pháp cưỡng chế bằng cách siết đồ đã không còn được sử dụng. Nhưng nếu không thực hiện nghĩa vụ, dân sẽ bị tính lãi số nợ với lãi suất 20%/năm, bị cắt điện, cắt mọi giao dịch với chính quyền. Nếu có việc cần đến xác nhận của chính quyền xã mà nhà vẫn đang nợ tiền các khoản đóng góp thì “Mời anh đi về!”.

Phó Chánh thanh tra huyện Hậu Lộc Hoàng Đình Lâm phân tích có thể chia các khoản tiền xã buộc người dân nộp thành hai loại: hợp pháp và bất hợp pháp. Hợp pháp là các khoản thuế và các khoản tiền lao động công ích, một số loại phí như phòng chống thiên tai, an ninh quốc phòng từ năm 2007 trở về trước. Theo ông Lâm, hai phần ba các khoản tiền còn lại xã buộc người dân nộp là bất hợp pháp. Từ năm 2008, các khoản tiền trên (trừ thuế) đã bị cấp có thẩm quyền bãi bỏ.

Đơn cử như trường hợp nhà ông Do, ông Lâm cho rằng các khoản thu hợp pháp như thuế đất ở, thuế đất nông nghiệp, tiền lao động công ích chỉ chiếm khoảng 20%. 80% còn lại là các khoản thu trái luật như quỹ tình nghĩa, quỹ bảo trợ, quỹ người nghèo, quỹ khuyến học, tiền phạt vì đóng chậm, tiền phạt nếu không có hố xí... Thậm chí có khoản tiền thu sai quy định, lại còn thu tới hai lần như vừa thu phí phòng chống thiên tai lại còn thu phí phòng chống lụt bão; hay mỗi học sinh phải đóng cho trường 200 ngàn đồng xây dựng trường/năm, khi về nhà cha mẹ lại phải đóng cho xã tiền xây trường lần nữa.

MAI MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm