'Vua' bò sữa Mộc Châu

Từ quốc lộ 6 cũ, đoạn nối giữa thị trấn Nông trường và thị trấn Mộc Châu (Sơn La) rẽ vào Tiểu khu 19/5 là con đường đất đỏ đã ngả màu còn ướt đẫm sương sớm. Cả thảo nguyên như tấm thảm màu xanh bạt ngàn của cỏ, xen lẫn giữa những đồi chè kéo dài ngút tầm mắt thuộc địa phận quản lý của anh Lâm Thanh Trân

Trân là con thứ hai trong gia đình có 6 chị em ở huyện Nam Trực, Nam Định. Gia cảnh túng thiếu, anh phải tự vận động, tìm cách thoát nghèo. Tha hương từ năm 1978, lúc tròn 20 tuổi với hai bàn tay trắng, anh khát khao tìm được “vùng đất hứa” để xây dựng cơ nghiệp.

Thời điểm anh làm công nhân, Nông trường Mộc Châu còn chăn nuôi giống bò vàng Jersey. Mãi đến năm 1986, mới bắt đầu nuôi loại bò Holstein Friensian nhập ngoại có màu khoang đen - trắng.

Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, anh bàn bạc với vợ, mạnh dạn nhận hơn 10 ha đất, đàn bò, bê 30 con (số lượng lớn nhất mà hộ gia đình nhận nuôi lúc đó) cùng hệ thống chuồng trại tập thể để lại với số tiền 70 triệu đồng. Số tiền quá lớn so với gia tài gia đình lúc đó, anh phải vay ngân hàng 40 triệu, còn lại phải nợ nông trường trả dần.

Thời gian đầu, công việc nặng như núi đè lên vai vợ chồng anh Trân. Anh phải thuê thêm người cắt cỏ, vắt sữa, xây dựng, sửa sang chuồng trại. Tưởng chừng mọi chuyện xuôi chèo mát mái, nào ngờ điều không may xảy ra khi hàng loạt bò lăn ra ốm. Nhìn đàn bò ủ rũ nằm la liệt ra sàn mà ruột anh như bị cắt.

“Không thể tin nổi nếu cả cơ ngơi này đổ sập. Với tôi đó là canh bạc cuộc đời mà gia đình tôi đang gánh vác”, Trân nhớ lại. Vợ chồng anh chạy chữa đủ đường, kể cả mời bác sĩ thú y, cán bộ kỹ thuật nông trường… cứu chữa, nhưng những tia hy vọng cứu sống đàn bò chỉ le lói. “Cuối cùng, 12 con bò, bê khai thác sữa đã chết. Một bài học để đời với tôi, về cách vệ sinh chuồng trại và các kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc đàn bò”, anh nói.

Gia đình anh Trân thực sự bắt đầu đổi đời từ năm 2000, khi vợ chồng anh trả hết nợ cho ngân hàng và công ty. “Gánh nặng nợ nần đã hết, cuộc sống gia đình cải thiện, thu nhập ổn định, con cái vì thế cũng được học hành tử tế”, anh phấn khởi.

Hơn 20 năm trong nghề nuôi bò sữa tại cao nguyên này, anh Lâm Thanh Trân không còn lạ với bà con chăn nuôi ở Mộc Châu. Giờ anh có thể tự tin nói về mọi công đoạn như một chuyên gia bò sữa, từ khâu chăm sóc bê con, bê tơ, lúc thành bò khai thác sữa… một cách thuần thục.

Chính vì thế mà đàn bò luôn khỏe mạnh, chất lượng sữa được đánh giá cao. Trong 30 con bò khai thác sữa, trung bình một con cho sản lượng 18-25 kg sữa mỗi ngày.

Hiện, gia đình anh có hơn 10 ha đất canh tác, trong đó có 8,4 ha trồng cỏ, còn lại là hệ thống chuồng trại và đất trồng ngô làm thức ăn ủ chua, phục vụ cho bò khi mùa đông đến. Anh cũng thuê 5 lao động thường xuyên với mức lương từ 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng một tháng.

Mấy năm trở lại đây, gia đình anh Trân luôn là một trong những hộ thu nhập cao nhất trong các chủ hộ chăn nuôi bò sữa của Công ty giống bò sữa Mộc Châu

Theo Tiền Phong

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm