Vụ tuồn 25 sổ hồng ra ngoài: Lộ thêm nhiều vụ án

Những ngày qua, nhiều người kinh doanh bất động sản (BĐS) ở Đà Nẵng không khỏi giật mình khi nữ đại gia trong giới là bà Đào Thị Như Lệ (41 tuổi, ngụ quận Hải Châu) vỡ nợ gần 1.000 tỉ đồng.

Vụ vỡ nợ của bà Lệ được phát hiện khi Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (VPĐKQSDĐ) quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng phát hiện mất 25 sổ hồng.

Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Đà Nẵng vào cuộc điều tra, phát hiện Dương Thị Ngọc Anh (41 tuổi), chuyên viên văn phòng trên, cho bạn mình là bà Lệ mượn số sổ hồng này để đem ra ngoài đi cầm cố hàng trăm tỉ đồng. Công an đã khởi tố vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ và đã bắt tạm giam hai phụ nữ trên.

Đáng chú ý, trong quá trình điều tra, công an phát hiện thêm nhiều vụ án mới như cưỡng đoạt tài sản, cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Dùng sổ hồng người khác để đi vay 500 tỉ

Theo tìm hiểu, bà Lệ là giám đốc một công ty chuyên kinh doanh xây dựng, BĐS tại Đà Nẵng. Thời gian trước, thị trường BĐS Đà Nẵng sốt giá nên bà Lệ ăn nên làm ra. Bà Lệ sở hữu nhiều BĐS trị giá hàng trăm tỉ đồng. Để có tiền làm ăn, bà Lệ đem những sổ hồng của mình đi thế chấp vay ngân hàng. Vừa qua, thị trường BĐS Đà Nẵng đóng băng, không có giao dịch. Để có tiền trả lãi ngân hàng, bà Lệ phải vay mượn những đại gia khác tại Đà Nẵng, mong có ngày đất sốt giá lại để bán, giải ngân.

Tuy nhiên, thị trường BĐS chưa kịp khôi phục thì gặp đợt dịch COVID-19 khiến đất ngày càng rớt giá. Đất thì giá rẻ mà chưa chắc bán được, tiếc tài sản bà Lệ tìm cách cầm cự. Trong quá trình làm ăn, bà Lệ có quen và chơi thân với chuyên viên VPĐKQSDĐ Ngọc Anh. Bà Anh ngoài làm việc cho nhà nước còn kinh doanh thêm BĐS. Biết bạn mình gặp khó khăn, muốn có sổ hồng để làm tin khi đi vay nên bà Anh đưa 25 sổ hồng của nhiều người dân (đến nộp làm thủ tục sang tên) cho bạn mượn.

Theo một cán bộ điều tra Phòng Cảnh sát kinh tế, để tạo niềm tin cho người mình đến vay, bà Lệ nói sổ hồng tuy mang tên người khác nhưng đó là tài sản của bà. Có người bà Lệ nói đó là sổ hồng này nhờ nhân viên, người thân đứng tên. Tính đến nay, bà Lệ đã vay của nhiều người hơn 500 tỉ đồng, chưa tính số tiền nợ của ngân hàng. Công an cũng đang lấy lời khai của những người liên quan để làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Lệ.

Bà Đào Thị Như Lệ (thứ hai từ trái). Ảnh: HẢI HIẾU

Ông Phạm Thanh nghe lệnh bắt tạm giam. Ảnh: HẢI HIẾU

Lộ ra nhiều vụ án hình sự khác

Trong quá trình điều tra, công an lấy lời khai bà Lệ để thu hồi số sổ hồng trên. Bà Lệ khai đã đem sổ cầm cho 16 người để vay tiền, trong đó bảy sổ hồng cầm cho doanh nhân Phạm Thanh (53 tuổi, ngụ phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê).

Điều bất ngờ, bà Lệ khai rằng bà vay 72 tỉ đồng nhưng thực nhận chỉ có 68,7 tỉ đồng, còn lại là trả lãi trước. Ông Thanh thu lãi của bà Lệ mỗi tháng 5%.

Đến ngày 8-8, quá hạn nhưng bà Lệ chưa trả lãi cho ông Thanh. Ông này đã gọi điện thoại đe dọa, buộc bà Lệ phải đến nhà của mình trên đường Hùng Vương. Tại đây, ông Thanh cùng một số người khác đã đe dọa, đánh đập bà Lệ, ép bà này phải ký giấy viết nợ của mình là 122 tỉ đồng. Ông Thanh còn ép bà Lệ viết giấy bán một căn biệt thự, ba lô đất cho mình với số tiền trên sau khi giải chấp ngân hàng.

Ngày 4-9, công an đã bắt tạm giam bốn tháng đối với ông Thanh về tội cưỡng đoạt tài sản và đang lấy lời khai những người tham gia đe dọa bà Lệ.

Ngoài ra, trong danh sách 16 người mà bà Lệ cung cấp cho công an về việc cầm sổ hồng để vay, có những người cho vay với lãi suất trên 8,4%/tháng. Công an đang lấy lời khai những người này, thu thập chứng cứ xem xét về hành vi cho vay lãi nặng. Trong số này, có người cho vay lên đến 150 tỉ đồng, nhiều người cũng nổi tiếng trong giới kinh doanh BĐS.

Phát hiện sai phạm hoạt động công chứng

Chiều 7-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Sở Tư pháp TP Đà Nẵng cho biết sau khi xảy ra vụ án mất sổ hồng tại VPĐKQSDĐ quận Sơn Trà, sở này đã phát hiện một số sai phạm trong hoạt động công chứng có liên quan. Trong hoạt động công chứng đã xuất hiện tình trạng một số cá nhân lợi dụng việc công chứng các hợp đồng, giao dịch để che giấu hành vi cho vay lãi nặng hoặc liên quan đến lừa đảo. Công chứng viên đã thực hiện việc công chứng hợp đồng đặt cọc nhưng tại thời điểm công chứng không có bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định, vì tài sản đang được thế chấp tại ngân hàng, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

“Sở Tư pháp đã có văn bản đề nghị các văn phòng công chứng rà soát, báo cáo. Nếu có sai phạm sẽ xử phạt hành chính công chứng viên hoặc chuyển cho cơ quan điều tra theo quy định” - lãnh đạo sở này nói.

Tại Đà Nẵng, ông Phạm Thanh được biết đến như một doanh nhân thành đạt, có mối quan hệ với nhiều nhà báo, văn nghệ sĩ, công an… Ông Thanh là người chi mạnh tay cho hoạt động từ thiện. Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, ông Thanh đã cho nhiều bệnh viện ở Đà Nẵng hàng chục tấn hàng hóa và máy móc điều trị. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm