Vụ tham ô tiền thu phí cầu: 16 bị cáo đồng loạt kêu oan

Hôm qua (11-11), TAND tỉnh Bình Dương đã xử phúc thẩm vụ Võ Bảy và 15 đồng nghiệp tại trạm thu phí cầu Phước Hòa (Phú Giáo) và cầu Phú Cường (Thủ Dầu Một) bị quy kết tham ô tài sản.

Khoán thu phí để phấn đấu?

Trả lời tòa, nguyên ca trưởng Lê Văn Phép, người làm việc với nguyên đội trưởng Bảy từ giai đoạn đầu, nói mình không hề phạm tội. Theo Phép, chủ trương khoán cho các ca được tính theo chỉ tiêu hàng năm của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương. Ca của Phép được khoán gần ba triệu đồng/ca. Xong ca nào các bị cáo nộp đủ luôn số thu được dựa trên số vé đã xé, nếu không đủ thì ca sau bù vào.

Tòa hỏi như vậy tức là “lời ăn lỗ chịu”? Phép đáp: “Không phải, khoán như thế là để anh em tích cực thu tiền hơn. Vả lại, trạm thu phí Phước Hòa lúc đó không có thanh chắn xe, anh em phải chia ra đứng ở hai đầu trạm mà thu, rất cực nên phải khoán để phấn đấu thu càng nhiều càng tốt”.

Xác nhận, Bảy nói giao khoán cho các ca trực chẳng qua là “để tận thu tiền nhà nước”. Gọi là khoán nhưng tiền thu về dựa vào cùi vé Bảy xuất ra hàng ngày. Cũng vì những hình thức khích lệ như thế mà năm nào đội của Bảy cũng vượt chỉ tiêu do Sở Giao thông Vận tải đưa ra.

Theo tòa, chỉ tiêu này chỉ là hình thức, nếu nộp không đủ, cùng lắm các bị cáo không được khen thưởng chứ không phải bỏ tiền túi ra đền. Về phần mình, VKS cho rằng đây không thể gọi là hình thức khoán được. Ngoài ra, có nhiều lời khai của các bị cáo trong hồ sơ thể hiện khoản thu vào chênh rất lớn so với lượng vé xé ra...

Không “giếm” vé?

Về quá trình thu phí, tất cả bị cáo đều khai là tùy vào từng loại xe mà thu phí và tất cả xe qua cầu đều được xé vé đầy đủ chứ không có chuyện cầm tiền rồi sau đó mới xé để cân đối với số tiền khoán. Tuy nhiên, có một số trường hợp tài xế không lấy vé mà quăng luôn tiền vào trong cabin khiến các bị cáo phải xé vé bổ sung, để riêng ra. Một số vé dạng này đã bị cơ quan điều tra thu giữ, cho rằng đó là chứng cứ phạm pháp.

Về các khoản tiền cáo trạng quy kết tham ô, các bị cáo đều nói đó là do các tài xế bồi dưỡng hoặc các tài xế không nhận lại tiền thừa. “Nhiều khi dư 2.000 đồng hay 5.000 đồng, các tài xế không lấy nên các bị cáo giữ lại. Một ca cũng chỉ có khoảng từ 10 đến 20 ngàn đồng nên có thể chia ra cho anh em trà nước hoặc đổ xăng đi làm mà thôi” - một bị cáo phân trần.

Chỉ lấy tiền thừa tài xế cho?

Về gần 90 triệu đồng bị VKS quy kết lập quỹ trái phép, Bảy nói không hề lập quỹ đen. Số tiền đội chi ra nằm trong khoản 5% được nhà nước cho phép, dùng để tiếp khách, khen thưởng, ma chay...

VKS vặn: “Cuối năm 2000, Sở Giao thông Vận tải đã cắt khoản này, tiền cũng đã quyết toán hết rồi thì lấy đâu ra cho các bị cáo chi đến tận năm 2002?”. Bảy nói đội vẫn còn tiền chứ không phải đã hết và có những chứng từ thể hiện đã chi số tiền này từ năm 1995 đến 2002. Ngoài ra, do quá trình tố tụng diễn ra quá dài, bị cáo ước lượng khai số tiền này trước cơ quan điều tra chứ không có cơ sở cụ thể nào chứng minh.

Bảy cũng không thừa nhận đội thu phí của mình có ăn chia. Bảy nói: “Mỗi lần xuống ca, anh em cho tôi năm, mười ngàn đồng hay gói thuốc và bảo đây là tiền thừa mà các tài xế không nhận lại chứ không có ăn chia 1/4 hay từ 100 ngàn đồng đến 150 ngàn đồng một ngày như cáo trạng quy kết”. Các bị cáo khác cũng một mực xác nhận “sếp” nói đúng.

Theo đại diện VKS, các tài xế đều là người làm công ăn lương, không thể có chuyện họ cho tiền các bị cáo được. Cạnh đó, Bảy là “sếp” mà nói nhận của “lính” năm, mười ngàn đồng thì càng vô lý hơn. Chỉ có chuyện ăn chia như lời các bị cáo đã khai nhận trong quá trình điều tra mới hợp lý và phù hợp với các chứng cứ khác trong hồ sơ.

Cuối cùng, VKS kết: “Vụ án có tới 16 bị cáo và các lời khai tại quá trình điều tra đều phù hợp với nhau, hoàn toàn có thể dùng làm chứng cứ kết tội. Các bị cáo đừng tưởng khai báo loanh quanh là có thể thoát, đừng tưởng được tại ngoại, sau đó thông đồng với nhau tại tòa là êm chuyện”.

Hôm nay, tòa tiếp tục xử.

Theo hồ sơ, từ năm 1995 đến 2002, Bảy làm đội trưởng trạm thu phí cầu Phước Hòa (Phú Giáo) và cầu Phú Cường (Thủ Dầu Một), đã cùng 15 đồng phạm chiếm đoạt hơn 160 triệu đồng tiền thu phí cầu, trong đó chia nhau hơn 67 triệu đồng, còn lại lập quỹ trái phép, chi sai nguyên tắc.

Cuối tháng 7, TAND thị xã Thủ Dầu Một xử sơ thẩm, nhận định việc các bị cáo thay đổi lời khai trong quá trình điều tra cho thấy cơ quan điều tra chưa đủ chứng cứ chứng minh số tiền họ chiếm đoạt. Hơn nữa, cơ quan điều tra không chứng minh được tổng số lượng xe qua cầu để đối chiếu với số tiền các bị cáo nộp ngân sách, sau đó quy ra số tiền nhà nước bị thất thu. Tòa còn cho rằng không thể dùng lời nhận tội của các bị cáo để làm chứng cứ kết tội, nhất là lời nhận tội đó bị thay đổi qua từng giai đoạn điều tra và bị các bị cáo phủ nhận tại tòa. Từ đó, tòa đã tuyên cả 16 bị cáo trắng án.

Sau phiên xử, VKSND thị xã đã kháng nghị yêu cầu cấp phúc thẩm xử theo hướng các bị cáo có tội.

THANH LƯU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm