Vụ sản xuất phụ tùng xe máy giả: 2 người bị bắt khẩn cấp

Công an TP.HCM vừa bắt khẩn cấp Vũ Duy Khánh (37 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) và Nguyễn Thành Công (42 tuổi, quê Tiền Giang) để điều tra về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ tùng xe gắn máy.

Lê Thị Mỹ Xương (vợ Khánh) được xác định cùng chồng thực hiện hành vi phạm tội nói trên nhưng mới sinh con nên cơ quan điều tra tiếp tục củng cố hồ sơ, tài liệu để xem xét xử lý theo quy định.

Một khối lượng lớn phụ tùng xe máy tang vật được cơ quan chức năng phát  hiện. Ảnh HT

Hai hôm trước, Lâm Tường Duy (24 tuổi) chở một số lượng lớn phụ tùng xe gắn máy bị Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03) - Công an TP.HCM phối hợp với Cục Cảnh sát Kinh tế - Bộ Công an kiểm tra.

Lực lượng chức năng phát hiện 200 chén cổ hiệu Honda, 18 cây dên nhãn hiệu Gangyang Grank Shaft, 200 cốt xe Dream không có nhãn hiệu, không có hóa đơn, chứng từ.

Duy khai vừa được Mỹ Xương phân công chở số hàng từ nhà của Khánh trên đường Thoại Ngọc Hầu (quận Tân Phú) đi giao cho khách.

Khám xét căn nhà, công an phát hiện, thu giữ một số lượng lớn nhông, sên, dĩa nhãn hiệu D.I.D, sổ sách ghi chép việc mua bán hàng hóa, máy ép túi ni lông, nhông, sên, dĩa không nhãn hiệu.

Hai vợ chồng Khánh thừa nhận số hàng hóa là giả, được sản xuất bí mật ở nhiều địa điểm rồi mang đi tiêu thụ trên khắp địa bàn TP.

Khám xét mở rộng ở bảy địa điểm ở các quận Tân Phú, Bình Tân, quận 5... tổ công tác thu giữ số lượng lớn phụ tùng xe gắn máy các loại nghi là giả cùng các phương tiện, máy móc dùng để sản xuất hàng giả.

Cơ quan chức năng ước tính tổng trị giá hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hơn 1 tỉ đồng.

Tổ công tác sau đó niêm phong, thu giữ toàn bộ hàng hóa để phục vụ công tác điều tra. Ảnh HT

Khánh khai đã đặt in tem nhãn, bao bì, vỏ hộp chứa phụ tùng xe gắn máy giả nhãn hiệu D.I.D, Yamaha của người đàn ông tên Bảo (không rõ lai lịch) từ cuối năm 2018 để tổ chức sản xuất.

Ngoài ra, người này còn mua các phụ tùng xe gắn máy như nhông, sên, dĩa, xích… của một người đàn ông tên Tuấn (không rõ lai lịch, ngụ quận Bình Tân) và người đàn ông tên Nghĩa (không rõ lai lịch, ở Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) cùng một số cơ sở khác.

Hàng hóa được tập trung ở nhà Khánh. Do số lượng lớn, nên người này dùng thêm hai sạp hàng ở chợ Tân Thành (quận 5) cùng 4 địa điểm khác để cất giữ hàng hóa gom được.

Hai vợ chồng Khánh sau đó tháo rời các phụ tùng không tem nhãn rồi ép vào vỉ nhựa, dán tem nhãn các thương hiệu muốn làm giả.

Duy khai được trả lương 5 triệu đồng/tháng với nhiệm vụ phụ dán tem nhãn, đóng hộp, chở hàng đi giao cho khách và chở hàng ra hai sạp tại chợ Tân Thành do Khánh, Xương trực tiếp quản lý và bán hàng.

Nguyễn Thành Công được Khánh thuê trông coi một địa điểm chứa hàng giả tại quận 11 và giao hàng cho khách theo yêu cầu khi có mối với tiền công 2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Công còn mua phụ tùng xe gắn máy giả các loại của Khánh, Xương với giá sỉ để bán lại kiếm lời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm