Vụ phá rừng Tà Cú (Bình Thuận): Tiền bán rừng rơi vào túi ai?

Bạch Văn Thành (nguyên nhân viên hợp đồng bảo vệ rừng Tà Cú) đã ra đầu thú sau gần hai tháng bị truy nã. Theo lời Thành khai thì Thành chỉ được chia hơn 45 triệu đồng trong tổng số gần nửa tỷ đồng tiền bán đất, bán rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Tà Cú...

Bán rừng có hợp đồng

Ngày 10-7, sau khi thực hiện quyết định bắt tạm giam ông Trần Minh Thạch (nguyên giám đốc) và ông Trần Đình Khôi (nguyên phó giám đốc) Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Tà Cú, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết bị can Bạch Văn Thành đã ra đầu thú. Việc Thành ra đầu thú đã vạch trần một phần sự thật về vụ bán đất, bán rừng. Như Báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, gần 100 ha đất rừng tại tiểu khu 271 Khu bảo tồn Tà Cú đã bị chặt phá, cày ủi vào cuối tháng 4. Ngoài ra, gần 500 ha đất rừng trong khu vực Giếng Vàng, Giếng Bọc, Bưng Trường đã được ban giám đốc khu bảo tồn mà cụ thể là giám đốc Thạch và phó giám đốc Khôi đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật thiết kế cho thuê. Tuy nhiên, bộ sậu này mới hợp đồng cho thuê 300 ha (trong đó gần 100 ha bị cày ủi) thì bị phát hiện. Được biết, đất rừng Tà Cú được ưu tiên cho hai “đại gia” ở Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu thuê với giá 2,2 triệu đồng/ha/năm. Bạch Văn Thành là người được ông Thạch chỉ đạo đứng ra ký hợp đồng cho thuê đất. Toàn bộ số tiền thuê mới thu đợt đầu là 460 triệu đồng. Nếu hợp đồng bán đất rừng êm xuôi thì mỗi năm ông Thạch, ông Khôi dễ dàng chia nhau bỏ túi cả tỷ đồng tiền bán rừng.

Khi vụ bán đất rừng đổ bể, Thành bỏ trốn và cơ quan điều tra khởi tố vụ án, gần như toàn bộ vi phạm đều được trút hết cho Thành. Thậm chí có thông tin thêu dệt là khi bỏ trốn Thành đã mang theo 460 triệu đồng tiền cho thuê đất rừng. Nếu đúng như lời Thành khai là chỉ nhận được 45 triệu đồng thì hơn 400 triệu đồng còn lại rơi vào túi ai?

Những gốc cây bị triệt phá vô tội vạ.
Những gốc cây bị triệt phá vô tội vạ.

Đất rừng đã từng bị bán

Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Tà Cú được Thủ tướng có quyết định xác lập vào năm 1997. Đây là khu bảo tồn quý hiếm bởi sự đa dạng sinh học và đặc biệt là nằm sát quốc lộ 1A. Nhìn từ xa, khu rừng Tà Cú nổi lên như “kim tự tháp”, màu xanh trông thật mát mắt.

Tuy nhiên, từ khi được công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia và ông Thạch về làm giám đốc, đất rừng Tà Cú liên tục bị xà xẻo. Đáng nói nhất là vụ phá gần 100 ha rừng ngập mặn tuyệt đẹp để nuôi tôm cách đây vài năm, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án nhưng sau đó lại “chìm xuồng”. Tiếp theo là hàng loạt vụ phá rừng nghiêm trọng khác như vụ phá rừng dầu ở khu vực suối nước nóng Bưng Thị, vụ phá rừng săn đá ở khu vực đồi Hải Quân và những vụ bắn mìn phá đá trong khu bảo tồn quốc gia. Chưa có vụ nào được xử lý đến nơi đến chốn.

Hàng đống cây tái sinh bị triệt hạ để đốt.
Hàng đống cây tái sinh bị triệt hạ để đốt.

Đặc biệt, một nguồn tin cho biết trong năm 2006-2007, tại tiểu khu 271, ban giám đốc Khu bảo tồn Tà Cú đã ký hợp đồng cho thuê hàng chục hécta đất. Khi vụ cho thuê đất bị phát giác, UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định cảnh cáo ông Thạch, còn ông Khôi bị khiển trách. Hình thức kỷ luật trên có lẽ chưa đủ “ép phê” để ông Thạch, ông Khôi chùn tay mà ngược lại, còn vi phạm với mức độ nghiêm trọng hơn.

Hiện cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng này.

PHƯƠNG NAM - PHÚ NHUẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm