Vụ nữ ca sĩ bị kết án ở Bình Dương: Nhiều điểm chưa rõ

Đó là trường hợp của ca sĩ Đặng Gia An người từng đoạt giải khuyến khích cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP.HCM năm 2006. Cô vừa bị TAND thị xã Thủ Dầu Một phạt bốn năm tù và ra lệnh bắt giam tại tòa về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Bút sa, gà chết”

Sáng 14-11-2005, bà B.- nhân viên phụ trách thanh toán của một công ty đến chi nhánh một ngân hàng tại Bình Dương làm việc, phát hiện một ủy nhiệm chi ba ngày trước của công ty có “chữ viết lạ”, nội dung chuyển 72 triệu đồng vào một tài khoản mang tên T. Bà B. về hỏi bộ phận thanh toán của công ty thì nhân viên Nhi bảo không viết ủy nhiệm chi này. Kiểm tra, công ty xác định bà T. (người được chuyển tiền) không phải nhân viên công ty, không giao dịch làm ăn với công ty (bà này bị mất chứng minh nhân dân).

Ca sĩ Đặng Gia An-người đang kháng cáo kêu oan.
Ca sĩ Đặng Gia An-người đang kháng cáo kêu oan.

Sau đó, bà B. cùng Nhi đến ngân hàng báo sự việc. Ngân hàng phong tỏa tài khoản tên T. nhưng lúc này tài khoản chỉ còn 12 triệu đồng, 60 triệu đồng đã bị rút qua thẻ ATM. Theo lời của nhân viên ngân hàng tên Diễm thì ba giờ chiều ngày 11-11-2005, có hai cô gái mang tờ ủy nhiệm chi đến làm thủ tục chuyển tiền. Thấy dưới mục “Kế toán trưởng” để trống, Diễm hỏi thì hai cô gái trả lời công ty không đăng ký chữ ký của kế toán trưởng, đồng thời một người ghi “Không đăng ký” vào dưới mục này. Kiểm tra trong máy tính xong, Diễm ngước lên thì không thấy hai cô gái đâu mà lại thấy một nam nhân viên quen mặt của công ty đến làm việc khác. Diễm nhờ xem tờ ủy nhiệm chi, người này xác nhận dấu mộc trên ủy nhiệm chi đúng là của công ty nên Diễm đã thực hiện lệnh chuyển tiền.

Hôm sau, công ty gửi đơn tố cáo đến Công an tỉnh Bình Dương, nghi hai nhân viên cũ, trong đó có An đã lừa đảo (An từng làm việc cho công ty, đã nghỉ gần ba tháng trước khi xảy ra vụ việc). Tổ chức giám định Công an tỉnh Bình Dương kết luận chữ viết trên ủy nhiệm chi (ngày 11-11-2005), giấy đề nghị mở tài khoản cá nhân tên T. (ngày 16-9-2005) và giấy nộp tiền vào tài khoản T. (ngày 3-10-2005) để kích hoạt tài khoản) là chữ viết của An. Riêng ba chữ “Không đăng ký” viết dưới mục “Kế toán trưởng ký” trên ủy nhiệm chi là của Nhi.

Người thoát, kẻ dính

Từ đó, An và Nhi bị khởi tố về tội lừa đảo. An khai chữ viết trên ủy nhiệm chi, giấy đề nghị mở tài khoản cá nhân tên T., giấy nộp tiền vào tài khoản T. do mình viết khi còn làm việc ở công ty theo sự chỉ đạo của bà B. Sau khi nghỉ việc, An không biết gì nữa. Còn Nhi trước sau đều nói chữ “Không đăng ký” trên ủy nhiệm chi không phải do mình viết.

Giám định lại, Tổ chức giám định Công an Bình Dương vẫn khẳng định đó là chữ viết của Nhi. Sau đó, kết quả giám định của Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận chữ viết trên ủy nhiệm chi, trên giấy đề nghị mở tài khoản tên T., giấy xác nhận lấy thẻ ATM tên T., giấy nộp tiền vào tài khoản đều do An viết. Ngược lại, những chữ số ngày tháng năm trên các giấy tờ này và chữ “Không đăng ký” trên ủy nhiệm chi thì không đủ cơ sở giám định do số lượng chữ ít, không thể hiện đặc điểm riêng cơ bản.

Dựa vào kết quả trên, cơ quan tố tụng đã đình chỉ điều tra đối với Nhi. Riêng An sau đó đã bị TAND thị xã phạt bốn năm tù. Theo tòa, vụ án có đồng phạm khác nhưng An không khai thì phải tự chịu toàn bộ trách nhiệm.

Con dấu, chữ ký ở đâu ra?

Trong vụ này, bằng chứng kết tội An là bút tích trên các giấy tờ trên nhưng An nói mình đã viết khi còn làm ở công ty theo yêu cầu của bà B. Đây vốn là việc An vẫn thường làm hàng ngày theo lệnh cấp trên như một thư ký. Điều này lý giải vì sao phần ghi ngày tháng trên các giấy tờ đó đều không phải do An viết.

Tòa sơ thẩm bác lời khai của An rằng chữ viết trên giấy đề nghị mở tài khoản tên T. được An viết khi còn làm cho công ty theo yêu cầu của bà B. (trước tháng 8-2005) vì đại diện ngân hàng khẳng định giấy này phát hành trong ngày 16-9-2005 (dưới giấy có in ngày giao dịch bằng máy tính). Tuy nhiên, cha bị cáo đã chứng minh mẫu giấy mở tài khoản ở ngân hàng không hề ghi ngày trước: “Chúng tôi thử lấy mẫu giấy mang về điền nội dung, sau đó đem nộp ngân hàng. Nhân viên ngân hàng kiểm tra xong mới cho máy tính in ngày giờ vào phía dưới”.

Đặc biệt, An khai suốt ngày 11-11-2005 (ngày giao dịch chuyển tiền tại ngân hàng), cô đi hát ở nhiều tiệc cưới, không thể có thời gian trống để đi ngân hàng. Bầu sô Lê Thị Thương (53 Yersin, thị xã Thủ Dầu Một)- sếp cũ của An xác nhận điều này. Cha bị cáo còn cho biết ngay từ lần nhận diện đầu tiên, nhân viên ngân hàng tên Diễm đã khẳng định An không phải là một trong hai cô gái đến ngân hàng thực hiện ủy nhiệm chi. Tuy nhiên, bản án đã không đề cập đến các tình tiết đó.

Một vấn đề khác, nếu đúng là An làm các giấy tờ trên để lừa đảo thì An lấy con dấu ở đâu ra để đóng vào ủy nhiệm chi? An không quản lý con dấu, không có thẩm quyền yêu cầu người giữ con dấu đóng vào (sau khi nghỉ việc thì càng không thể). Vậy An lén lút lấy trộm con dấu hay ai đã tiếp tay cho An? Nếu dấu mộc là giả, tại sao ngân hàng chấp nhận? Tương tự, chữ ký giám đốc trên ủy nhiệm chi là thật hay giả? Nếu giả thì ai làm? Những điều này cũng đã không được cấp sơ thẩm làm rõ.

An có phải là người đã thực hiện cú lừa đảo tinh vi như tòa sơ thẩm nhận định? Con dấu, chữ ký giám đốc trên ủy nhiệm chi ở đâu ra? Hy vọng những điều trên sẽ được TAND tỉnh Bình Dương làm rõ trong phiên phúc thẩm sắp tới.

THÁI BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm