Vụ mất tích bí hiểm ở Đăk Nông

VKSND tối cao vừa kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án tử hình một thanh niên 28 tuổi về tội giết người, hiếp dâm ở Đăk Nông. Nguyên nhân là công an tỉnh này dù quyết liệt phá án song lại có nhiều sai sót, chỉ dựa vào lời khai nhận tội một chiều của nghi can, thiếu phối hợp với VKS. Vì thế, khi nghi can, nhân chứng phản cung tại tòa thì không còn cơ sở để buộc tội nữa.

Xác chết cháy thành than giữa rừng

Gia đình ông Duôn ở xã Eapo (Cư Jút) có cô con gái 16 tuổi xinh đẹp tên là Cươi. Sáng 18-12-2003, Cươi xin cha mẹ sang thăm gia đình chị ở thôn bên và nói trưa sẽ về ngay. Song đến chiều tối, ông bà Duôn vẫn chẳng thấy con đâu. Cả nhà vội tủa đi tìm.

Hơn một ngày tìm kiếm, mãi trưa hôm sau người làng mới phát hiện có chòi canh rẫy bên bìa rừng gần đó bị đốt cháy từ lúc nào. Trong đống than củi hỗn độn là một thi thể người đã cháy thành than. Gần đó là chiếc nón chỏng chơ mà ông Duôn thấy giống của con mình.

Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đăk Nông lập tức xuống khám nghiệm hiện trường, tử thi với nhận định ban đầu nạn nhân là nữ. Tới tháng 4-2004, tổ chức giám định pháp y của tỉnh có kết luận nạn nhân cháy thành tro nên không đủ yếu tố xác định nguyên nhân chết. Ba tháng sau, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cũng có kết luận giám định, mở ra một manh mối để điều tra: Nhiều khả năng có xăng dầu trong vụ cháy.

Một vụ mất tích bí hiểm, một xác chết chưa rõ tung tích cháy thành than giữa rừng đã đặt ra nhiều câu hỏi hóc búa với cơ quan điều tra. Không chứng cứ, không người chứng kiến nên vụ án được khởi tố điều tra từ ngày 23-4-2004 nhưng hết hạn bốn tháng vẫn không tiến triển, đành phải tạm đình chỉ.

Nhiệt tình phá án

Sau đó, các trinh sát vẫn âm thầm rà soát thông tin. Kết luận giám định về vụ cháy gợi ý cho họ bắt đầu từ những nơi bán xăng trong khu vực. Bà Yên, chủ quầy tạp hóa thôn gần đó, cho biết chiều tối 18-12-2003, có một thanh niên nói giọng Bắc tới mua ba lít xăng, đổ vào túi nylon mang về, vội vàng đến mức không nhận lại 2.000 đồng tiền thối.

Một mũi trinh sát khác được nhân chứng tên Tơ cho biết khoảng 14 giờ chiều hôm đó, tại giếng nước trong thôn có bốn thanh niên đang rửa chân. Một người thấy một cô gái đi ngang đã buông lời trêu ghẹo. Cô gái này đội nón, mặc áo bộ đội, bịt mặt giống mô tả của người nhà cô Cươi. Đáng chú ý, trong nhóm thanh niên đó có hai anh em Phan Văn Quỳnh là người gốc Bắc theo gia đình vào làm kinh tế mới.

Trinh sát đưa ảnh Quỳnh cho bà Yên xem, bà nhận diện đây chính là người thanh niên mua xăng. Thế rồi, công an tỉnh phát hiện Quỳnh bỏ về quê Hải Dương làm thủ tục xuất khẩu lao động. E ngại nghi can bỏ trốn, ngày 8-6-2005, cơ quan điều tra đã ra quyết định phục hồi điều tra và khởi tố Quỳnh về tội giết người.

Chỉ một thời gian ngắn bị tạm giam, Quỳnh đã khai nhận là thủ phạm gây ra trọng án. Theo đó, đầu giờ chiều 18-12-2003, rửa chân với mấy người bạn ở giếng xong, Quỳnh đi tiểu thì thấy cô Cươi đi ngang qua liền trêu ghẹo rồi đuổi theo giở trò bệnh hoạn ở góc rẫy heo hút. Trong lúc vật lộn, Quỳnh đã bóp cổ nạn nhân đến chết, giấu xác vào bụi chuối rồi bỏ đi đá bóng với thanh niên trong làng. Cuối buổi chiều, Quỳnh đến nhà bà Yên mua xăng, mang tới chòi canh rẫy. Đến đêm, Quỳnh vác xác nạn nhân tới chòi, phóng lửa đốt.

“Mời nhân chứng, nuôi ăn ở để... khai!”

Trong tháng 5 và tháng 8-2007, vụ án đã được đưa ra xử sơ thẩm, phúc thẩm. Dựa vào các tình tiết trên, cả hai cấp tòa đều tuyên phạt tử hình Quỳnh về hai tội hiếp dâm, giết người.

Tại cả hai phiên xử, Quỳnh đều kêu oan. Trong thời gian chờ thi hành án, Quỳnh cũng không làm đơn xin ân giảm mà một mực xin minh oan. Đáng chú ý hơn, tại cả hai phiên xử, nhân chứng chủ chốt là bà Yên (người bán xăng) đều bác bỏ lời khai trước, nói Quỳnh không phải là người mua xăng. Ba thanh niên làm chứng cho việc Quỳnh rửa chân với họ ở giếng nước khiếu nại bị cơ quan điều tra giữ hơn 10 ngày, bị ép khai theo ý của điều tra viên (cơ quan điều tra thừa nhận vì nóng lòng phá án nên mới “mời các nhân chứng ở lại, nuôi ăn ở để lấy lời khai”)...

Ngoài ra, VKSND tối cao còn về Đăk Nông xác minh thì thấy trong quá trình thụ lý, cơ quan điều tra có nhiều vi phạm tố tụng. Chẳng hạn dựa vào chiếc nón nhặt được gần hiện trường, các điều tra viên mặc nhiên coi thi thể nữ cháy thành than là cô Cươi. Vậy mà tới khi hoàn thiện hồ sơ lại phát hiện quên không thu giữ chiếc nón. Mãi tới tháng 8-2006, vấn đề rất quan trọng này mới được khắc phục bằng việc khai quật mộ nạn nhân, lấy mẫu xương, răng gửi giám định ADN. Cũng may cho các điều tra viên là mẫu xương trùng với gien của mẹ và chị cô Cươi.

Mặt khác, cơ quan điều tra cũng thiếu sót không tổ chức thực nghiệm hiện trường để xác định với thời tiết, tư thế, khoảng cách... như đầu giờ chiều 18-12-2003, nhân chứng Tơ có thể thấy rõ các hình ảnh liên quan tới bốn thanh niên rửa chân ở giếng như cô khai không.

Quên vai trò của VKS

Theo VKSND tối cao, đây là vụ giết người, đốt xác đặc biệt nghiêm trọng, không có chứng cứ quả tang hay nhân chứng trực tiếp. Quá trình điều tra theo hướng truy xét, việc buộc tội chủ yếu dựa vào lời khai của các nhân chứng gián tiếp và lời nhận tội của Quỳnh. Tuy nhiên, cơ quan điều tra vẫn một mình lấy cung, không mời và tạo điều kiện cho VKS tỉnh tham gia để đảm bảo khách quan. Chưa kể trong hai bản cung nhận tội có mặt luật sư của Quỳnh chứng kiến, cách hỏi của điều tra viên cũng thể hiện rõ tính mớm cung...

Vì tất cả thiếu sót về nghiệp vụ và tố tụng trên, khi vụ án sang giai đoạn xét xử, Quỳnh cùng một loạt nhân chứng phản cung, khiếu nại vi phạm của cơ quan điều tra thì không còn đủ căn cứ để buộc tội nữa. Do vậy, bản án tử hình mà hai cấp sơ, phúc thẩm tuyên đã trở nên gượng ép, cần phải hủy án để điều tra lại.

Kiểm sát viên VKSND tối cao trực tiếp xác minh bản án tử hình này cho biết có thể Quỳnh là thủ phạm nhưng cơ quan tố tụng không thể vì “niềm tin nội tâm” chưa đủ căn cứ vững chắc mà tuyên án. Để buộc kẻ thủ ác đền tội, cần có những chứng cứ chặt chẽ, không thể chối cãi. Lúc đó, bản án và hình phạt mới thật sự có ý nghĩa.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm