Vụ Công ty Thuận Thảo tráo cây xanh đường phố: Nếu xử lý hình sự, tội gì?

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, các chuyên gia pháp luật đã có những quan điểm trái ngược xung quanh kết luận của Công an TP Tuy Hòa về việc xử lý Công ty Thuận Thảo tráo cây xanh công cộng. Nhiều ý kiến cho rằng chỉ phạt hành chính như đề nghị của công an đối với những người vi phạm là chưa thỏa đáng nhưng xử lý hình sự về tội gì thì vẫn còn gây tranh cãi.

Không phải trộm cắp

Theo luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM), hành vi tráo cây xanh của Công ty Thuận Thảo phải bị xử lý hình sự nhưng về tội gì thì phải xác định kỹ vai trò chủ mưu. Nếu xác định vai trò chính trong vụ việc trên là ở phía Thuận Thảo khi “bằng cách nào đó” khiến cho giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phát triển nhà và công trình đô thị Tuy Hòa (Công ty đô thị) phải đồng ý thì đây là tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 137 BLHS). Khi đó ông giám đốc và các nhân viên tham gia vào vụ bứng, tráo cây sẽ là đồng phạm. Ngược lại, nếu xác định ông giám đốc này chủ động cho phép Thuận Thảo tráo cây thì lại là tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 BLHS).

Với quan điểm cho rằng vụ việc có dấu hiệu trộm cắp tài sản, luật sư Ly Tao không đồng tình. Theo ông, cấu thành quan trọng nhất của tội trộm cắp là phải có sự “lén lút”. Ý kiến cho rằng ở đây có sự “lén lút” với chủ sở hữu (UBND TP Tuy Hòa) chứ không phải “lén lút” với những người xung quanh cũng không hợp lý vì những cây bàng biển này thuộc sở hữu của nhân dân. UBND TP Tuy Hòa cũng chỉ là đại diện cho nhân dân quản lý mà thôi. Việc bứng, tráo cây của Thuận Thảo tuy diễn ra vào ban đêm nhưng những người dân xung quanh đều thấy thì không thể cho là “lén lút” được.

Cố ý làm trái?

Luật sư Nguyễn Đình Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích: Ông giám đốc Công ty đô thị đã “cho phép miệng” đối với Thuận Thảo, thậm chí còn cử nhân viên xuống giúp đỡ Thuận Thảo bứng, tráo cây xanh. Đây rõ ràng là hành vi cố ý làm trái vì những cây này không phải là tài sản của Công ty đô thị mà thuộc sở hữu nhà nước.

Vấn đề còn lại theo luật sư Hùng là cơ quan điều tra phải chứng minh giá trị của những cây bàng biển bị tráo. Nếu chúng có giá trị hơn 100 triệu đồng thì sẽ khởi tố được giám đốc Công ty đô thị và những thuộc cấp liên quan về tội cố ý làm trái... Khi đó, lãnh đạo và nhân viên tham gia tráo cây xanh của Thuận Thảo sẽ giữ vai trò đồng phạm.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn?

Từ một góc nhìn khác, luật sư Lê Thành Kính (Đoàn luật sư TP.HCM) nói hành vi của giám đốc Công ty đô thị có dấu hiệu phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ (Điều 281 BLHS).

Ở đây, giám đốc Công ty đô thị không có quyền cho phép Thuận Thảo bứng, tráo những cây bàng biển này. Đặt trường hợp ông giám đốc này được phép đi chăng nữa thì vẫn phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn... vì đã gây thiệt hại cho lợi ích nhà nước, lợi ích xã hội. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng phải nhanh chóng xác định giá trị thiệt hại từ hành vi này, đồng thời phải xác định động cơ của giám đốc Công ty đô thị (theo cấu thành của tội lạm dụng, động cơ của hành vi phạm tội là vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác).

Đồng tình, một kiểm sát viên cao cấp cũng cho rằng hành vi của giám đốc Công ty đô thị gần nhất với cấu thành của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn... Nếu “căng” ra thì cơ quan điều tra hoàn toàn có thể khởi tố về tội này!

Đêm 4-1, người dân TP Tuy Hòa (Phú Yên) chứng kiến một chuyện lạ: Tổng giám đốc Công ty Thuận Thảo chỉ huy nhân viên phối hợp với công nhân Công ty đô thị bứng 25 cây bàng biển dọc vỉa hè đường Trần Phú mang vào resort và thay vào đó những cây bàng biển nhỏ hơn.

Sau 10 ngày xác minh, Công an TP Tuy Hòa kết luận Thuận Thảo không tự ý bứng cây về trồng mà đã trao đổi trước với giám đốc Công ty đô thị và được vị này đồng ý miệng. Cũng trong thời gian này, trước sự phản ứng của dư luận, lãnh đạo Thuận Thảo đã vội vàng “khắc phục hậu quả” bằng việc trồng lại các cây bàng biển lớn hơn hoặc bằng với những cây mình đã bứng.

THANH LƯU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm