Vụ cháy ở Lê Văn Sỹ: Vì sao có tới 6 người tử vong?

Cả sáu người trong một gia đình gồm hai vợ chồng, ba con nhỏ và một người cháu thiệt mạng trong vụ cháy kinh hoàng xảy ra rạng sáng nay tại ngôi nhà số 453/6 Lê Văn Sỹ, phường 12, quận 3 (TP.HCM). Không khí đau thương, tang tóc bao trùm cả con ngõ nhỏ.

Tầng một ngôi nhà bị lửa thiêu rụi, gần như tan hoang. Những ô cửa chỉ còn trơ khung sắt. Cả ngôi nhà khang trang giờ đây chỉ còn là đống đổ nát.

Sáu người trong ngôi nhà đã vĩnh viễn chẳng thể trở về. Những con phố, cửa tiệm đã trang hoàng hoa đèn rực rỡ đón chờ Noel. Hơn một tháng nữa thôi là đến tết. Vậy mà...

Nhà chỉ có một cửa thoát hiểm duy nhất

Nhà chỉ có một lối thoát hiểm duy nhất. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Nhớ lại vụ cháy, bà Hoa, một người hàng xóm ngân ngấn nước mắt: “Nó cháy ở trong đó, tụi tui muốn vào cứu mà chịu không vào được, lửa phừng phừng, đứng cách cửa mấy mét mà nóng không chịu được. Nhà nó hiền lắm.”

Đại tá Trần Thanh Châu - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết một trong những nguyên nhân khiến cả nhà sáu người không thể thoát ra ngoài là do ngôi nhà chỉ có một cửa thoát hiểm.

Ngay trong sáng 16-12 Cảnh sát PCCC TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình vụ cháy nghiêm trọng này.

“Nhà thiết kế theo dạng hình ống, chỉ có một lối thoát hiểm để thoát ra ngoài là lối cửa chính. Do đặc thù kinh doanh nên nhà chất nhiều loại hàng hóa, đặc biệt là những vật liệu dễ cháy như: bông, vải sợi, hóa chất… Do vậy, khi cháy xảy ra không có lối thoát khỏi! Ngoài ra, cửa tận ba lớp khóa chống trộm nên cháy ở lầu trệt, những người dưới tầng chạy không thoát được!” - Đại tá Châu trầm ngâm nhớ lại.

“Sợ nhất nghe báo cháy nhà dân lúc rạng sáng”

Cơ quan cảnh sát điều tra lật từng tấc đất tìm nguyên nhân vụ cháy. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Đó là trải lòng của Trung tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Pháp chế, điều tra xử lý về cháy nổ nói riêng và của hàng trăm người lính cứu hỏa. “Cháy nhà dân lúc nửa đêm, có khi người dân đang ngủ không phát hiện ra, cửa khóa nhiều lớp, chạy không được rồi bị ngạt khói trong đó”.

Mới chỉ cách đây hai tháng, vụ cháy lớn xảy ra vào lúc gần 3 giờ sáng 4-10 tại cửa hàng dịch vụ cưới hỏi Gia Định 3 (1/117A Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12) làm ba người trong một gia đình chết thảm vẫn là nỗi ám ảnh.

Phác họa lại sơ đồ ngôi nhà, ông Hà cho biết phòng ngủ gia đình ở cuối, sự cố xảy ra ở khoảng giữa, nhà chỉ có duy nhất một lối thoát hiểm là cửa chính. Cửa lại khóa bằng ba lớp: cửa cuốn, cửa kính và cửa sắt nên khi xảy ra sự cố, nạn nhân chạy không kịp. Hàng xóm xung quanh cũng không phá được cửa mà phải đục tường vào. Nhưng lúc đó đã muộn…

“Cần tạo ra ít nhất lối thoát hiểm thứ hai trong gia đình ngoài lối cửa, có thể là hông nhà, sau nhà hoặc mái nhà. Hỏa hoạn, sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào, luôn phải chủ động để đối phó.

Cháy ở tầm giữa, cửa chính ở ngoài cùng, chạy ra sợ chết cháy, mà ở lại thì cũng chết ngạt. Năm 2015, vụ cháy trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1) khiến bảy người chết cháy, vụ cháy ở Củ Chi khiến hai người chết cháy… cũng tương tự vậy, nhà chỉ có một lối thoát hiểm. Trong khi như ngôi nhà trên đường Trần Hưng Đạo, rõ ràng có thể mở thêm cửa hông ở hẻm vào, người trong nhà đã có thể chạy ra theo lối cửa này khi phát hiện cháy” - ông Hà chia sẻ.

Ngay trong sáng 16-12, ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, cũng đã có mặt tại Cảnh sát PCCC TP.HCM để họp khẩn nhằm nắm bắt thông tin vụ cháy.

Ông Cang nhấn mạnh tết sắp đến nên nhiều nơi làm lễ, cúng bái, các chương trình lễ hội, ca múa nhạc… đều có các chất dễ gây cháy. Do đó, các sở/ngành phải kiểm tra kỹ tất cả vấn đề này, làm đều trên tất cả 24 quận, huyện, không được lơ là. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm