Vụ bác sĩ phi tang xác nạn nhân: “Hung thần” áo trắng

Sáng 24-10-2013, Công an Hà Nội cho biết đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Mạnh Tường (công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, chủ cơ sở thẩm mỹ viện Cát Tường) về tội “giết người” theo Điều 93 Bộ luật hình sự. Nhân viên của Tường là Đào Quang Khánh cũng bị khởi tố bị can. Các quyết định khởi tố này đã được Viện Kiểm sát phê chuẩn. 

 Vụ bác sĩ phi tang xác nạn nhân: “Hung thần” áo trắng ảnh 1

Nguyễn Mạnh Tường khá bình thản khi bị dẫn giải về cơ quan công an

Sự mất tích bí ẩn của người vợ

Anh Nguyễn Hữu Huy, chồng chị Lê Thị Thanh Huyền cho biết, vợ anh làm trưởng phòng bán vé máy bay. Sáng 19-10 vợ anh đi xe máy ra khỏi nhà, trong túi xách có 2 thẻ ATM và 2 điện thoại di động, nhưng anh không biết là đi đâu vì chị Huyền không nói. Đến 9 giờ, anh Huy có nhận được một cuộc điện thoại của vợ, và đó là cuộc gọi cuối cùng của chị Huyền. Từ đó cho đến khi vụ việc được phát hiện, anh không hề gặp cũng như không liên lạc được với vợ mình nữa. Khi gọi vào số máy của chị Huyền thì điện thoại đã tắt. Gia đình anh Huy gọi điện khắp nơi tới những bạn bè thân thiết, nhưng không ai có thông tin gì về chị Huyền.

Suốt một đêm, một ngày lo lắng không thể nào chợp mắt được, đến khoảng 0 giờ 10 phút ngày hôm sau (tức 20-10), anh Huy bỗng nhận được một cuộc điện thoại của một người đàn ông tên Tuấn, ở Thạch Bàn, thông báo, anh này đã tình cờ phát hiện chiếc xe máy của chị Huyền (với chìa khóa vẫn cắm trong ổ) dựng bên vệ đường và toàn bộ tài sản của chị Huyền mang theo lúc ra khỏi nhà, tại khu vực Sài Đồng, Long Biên. Anh Huy vội vàng tìm đến nơi phát hiện chiếc xe máy thì thấy toàn bộ túi xách, điện thoại và những vật dụng chị Huyền hàng ngày mang theo vẫn còn nguyên vẹn. Anh Tuấn - người đầu tiên phát hiện chiếc xe của chị Huyền cho biết, trước đó, khoảng 23 giờ, khi đi qua khu vực Sài Đồng, anh đã nhìn thấy xe máy màu đen vô chủ đứng chỏng chơ. Lại gần, anh thấy túi xách nữ. Một mình mở túi xách ra không tiện, anh đã gọi thêm hai người bạn nữa đến rồi lấy điện thoại tra cuộc gọi đến gần nhất để gọi. Và người bắt máy đầu dây bên kia chính là anh Huy - chồng chị Huyền.

Không còn cách nào khác, anh Huy đành gửi đơn tới Phòng CSĐTTP về TTXH Công an Hà Nội trình bày về sự mất tích bí ẩn của chị Huyền, một mặt vẫn cùng mọi người trong gia đình đi tìm kiếm. Quá trình điều tra, cơ quan công an nắm được thông tin, gần đây chị Huyền có tâm sự với một số người rằng chị muốn đi thẩm mỹ nâng ngực, do đó cơ quan điều tra đã đi theo hướng rà soát các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn Hà Nội.

Trong lúc mang quần áo của vợ ra giặt, anh Huy tình cờ tìm thấy hóa đơn thanh toán tại cơ sở thẩm mỹ viện Cát Tường (45 Giải Phóng, gần Bệnh viện Bạch Mai) vào ngày 18-10, tức là trước thời điểm chị Huyền rời nhà một ngày, đến tối 21-10 thì xác định được chị Huyền đã tới Thẩm mỹ viện Cát Tường hút mỡ, nâng ngực rồi tử vong vào ngày 19-10. Hiện cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án “giết người”; “che giấu tội phạm”, ra lệnh bắt khẩn cấp hai đối tượng Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh (SN 1996, ở số 4 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sáng 22-10, hoạt động của thẩm mỹ viện vẫn diễn ra bình thường, tuy nhiên không còn tấp nập như trước. Một số nhân viên đã nghỉ làm không lý do.

Lời thú nhận sởn gai ốc

Nguyễn Mạnh Tường khai hiện đang là bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai, nhưng làm việc theo kiểu “chân ngoài dài hơn chân trong” nên tháng 4-2013, Tường đã thành lập Thẩm mỹ viện Cát Tường để đáp ứng nhu cầu làm đẹp của chị em. Có khoảng 20 nhân viên làm việc trong cơ sở của Tường. Tường đã xin được giấy phép kinh doanh nhưng lại chưa được Sở Y tế Hà Nội cấp giấy phép về hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, Tường vẫn tiến hành các hoạt động hút mỡ, nâng ngực cho khách có nhu cầu, trong khi theo quy định, các hoạt động này phải được tiến hành ở các bệnh viện.

Khoảng 9 giờ ngày 18-10, chị Huyền đến Thẩm mỹ viện Cát Tường để liên hệ làm phẫu thuật hút mỡ, nâng ngực và đã đặt cọc 50 triệu đồng. Khoảng 12 giờ ngày hôm sau, Tường cùng ba nhân viên gồm: Lê Thị Ngọc Vân (SN 1992, ở xã Triều Khúc, huyện Thanh Trì), Bùi Thị Hoa (SN 1992, ở xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn) và y tá Nguyễn Ngọc Thư (SN 1984, trú phố Xã Đàn, quận Đống Đa) làm công việc hút mỡ, nâng ngực cho chị Huyền. Tường dùng ống kim tiêm loại 50cc, hút khoảng 11 ống bơm mỡ từ phần bụng của chị Huyền. Sau đó, vị bác sĩ này lấy số mỡ đã hút bơm vào ngực chị Huyền, đến khoảng 16 giờ cùng ngày thì kết thúc. Hoa, Thư, Vân đưa chị Huyền ra phòng ngoài nằm nghỉ. Khoảng 30 phút sau, chị Huyền có biểu hiện co giật, sùi bọt mép. Thấy vậy, Tường tiêm một liều thuốc Diafegam 10mg thì chị Huyền không còn các biểu hiện này nữa.

Đến khoảng 17 giờ 45, nhân viên Thẩm mỹ viện Cát Tường phát hiện chị Huyền có biểu hiện tím tái, mạch khó bắt, huyết áp không đo được liền gọi điện thông báo cho Tường (lúc này, Tường đã ra ngoài). Tường hướng dẫn cho nhân viên truyền dịch, tiêm thuốc chống sốc, thở oxy. Sau đó, Tường quay về cơ sở thẩm mỹ thì phát hiện chị Huyền trong tình trạng sùi bọt mép, không thấy thở, mặt tím tái. Tường đặt ống thở và tiếp tục tiêm thuốc trợ tim, cho thở oxy. Nhận thấy chị Huyền đã chết lâm sàng nên Tường tiếp tục tiến hành các biện pháp cấp cứu, nhưng mọi nỗ lực của anh ta không có kết quả. Chị Huyền đã tử vong.

Lo sợ bị cơ quan chức năng phát hiện thì thẩm mỹ Cát Tường sẽ dừng hoạt động, toàn bộ vốn liếng đầu tư vào đó bay mất nên Nguyễn Mạnh Tường liền nghĩ ra thủ đoạn che giấu tội lỗi hết sức dã man. Tường chỉ đạo nhân viên thu dọn toàn bộ đồ đạc của trung tâm gồm sổ sách, máy tính và các dụng cụ khám chữa bệnh, các loại thuốc mang đi cất giấu. Đồng thời, Tường mang xác chị Huyền lên ôtô BS: 29A-488.81 rồi nhờ nhân viên bảo vệ Đào Quang Khánh mang đồ đạc của chị Huyền gồm xe máy, điện thoại, túi xách, giấy tờ tùy thân đi vứt ở khu vực đường Cổ Linh, thuộc địa bàn phường Thạch Bàn, quận Long Biên. Sau đó, Khánh lên ôtô do Tường điều khiển chở xác chị Huyền quay lại cầu Thanh Trì. Khi đến giữa cầu, Tường dừng ôtô và cả hai bê xác chị Huyền ra khỏi xe, khiêng qua thành cầu vứt xuống sông Hồng rồi bỏ trốn.

Vụ bác sĩ phi tang xác nạn nhân: “Hung thần” áo trắng ảnh 2

Đào Quang Khánh

Cả buổi chiều 22-10 cho đến tối mịt cùng ngày, chúng tôi đã chạy theo xe của công an chở Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh đến hiện trường để thực nghiệm điều tra khu vực cầu Thanh Trì và đường Cổ Linh thuộc phường Sài Đồng. Tại cầu Thanh Trì, Tường được đưa xuống xe, hắn bình thản chỉ vào đoạn thành cầu đã ném xác chị Huyền. Không có biểu hiện nào được cho là suy sụp xuất hiện trên gương mặt hắn, trái lại, Tường giữ nguyên vẻ lạnh lùng của một kẻ thường tiếp xúc với máu và xác chết. Lệnh khám xét Thẩm mỹ viện Cát Tường cũng được tiến hành ngay trong chiều 22-10 để cơ quan công an tiếp tục thu thập các tài liệu liên quan.

Tại cơ quan điều tra, Đào Quang Khánh kể: “Anh Tường gọi em đi cùng đến Bệnh viện E ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm lấy xe máy và ôtô rồi đến phố Trần Cung lấy 4 chiếc túi nilon loại lớn và quay về cơ sở thẩm mỹ Cát Tường. Anh Tường nhờ em khiêng nạn nhân ra ôtô. Anh ấy bảo đưa đi cấp cứu nên em làm theo. Sau đó bọn em lòng vòng ra hướng đường Bưởi rồi lên cầu Vĩnh Tuy sang địa phận Thạch Bàn. Tại đây, bọn em bỏ lại xe máy, túi xách của nạn nhân và đi ra cầu Thanh Trì. Đến giữa cầu thì anh Tường dừng xe còn em cảnh giới người đi đường. Anh Tường kéo xác nạn nhân rồi vứt xuống sông. Lúc này em mới biết chị ấy đã chết. Em cũng sợ nhưng anh Tường hứa tăng lương gấp đôi nên em làm theo (Khánh đang nhận mức lương 4 triệu một tháng).

Đến khoảng 20 giờ 30 cùng ngày, xe công an chở Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh đã về đến trụ sở Phòng CSĐTTP về TTXH Công an Hà Nội (số 7 Thiền Quang). Tường nhanh chóng được đưa vào phòng riêng để cơ quan điều tra tiếp tục tiến hành những bước tiếp theo. Hiện Công an Hà Nội đang phối hợp với Công an các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh tổ chức rà soát, truy tìm thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền. Khi tìm thấy nạn nhân, sẽ tiến hành pháp y tử thi, xác định nguyên nhân cái chết và khẩn trương củng cố tài liệu chứng cứ, sớm hoàn chỉnh hồ sơ xử lý đối tượng trước pháp luật.

Chân dung “hung thần”

Tường tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, khóa 1990-1996. Trong mắt bạn bè, vị bác sĩ này khá hiền lành, chưa từng va chạm với ai trong cơ quan. Năm 2002, Tường về làm việc tại Khoa phẫu thuật chấn thương chỉnh hình  Bệnh viện E, sau ba năm thì chuyển về Bệnh viện Bạch Mai công tác. Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngày 20-10 Tường vẫn đi làm bình thường tại Khoa ngoại, tinh thần chỉ hơi phảng phất nét mệt mỏi. Cho đến khi có thông tin trên báo thì cả bệnh viện mới biết bác sĩ Tường sở hữu một thẩm mỹ viện riêng với chuyên môn chính là chấn thương - chỉnh hình.

Để thu hút khách hàng, bác sĩ Tường “nổ” mình là thành viên hiệp hội thẩm mỹ TPHCM, đã có 14 năm hành nghề trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM)  mặc dù thẩm mỹ viện của anh ta hoạt động vừa tròn 6 tháng. Đặc biệt Tường chưa qua bất kì khóa đào tạo chuyên sâu nào về phẫu thuật tạo hình (PTTH) và PTTM tại Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ...

Một lãnh đạo Bệnh viện E, nơi Nguyễn Mạnh Tường từng công tác cho biết: Khi về đây, Tường là bác sĩ mới, chưa được đứng mổ một ca nào. Thời gian làm việc dù chỉ có ba năm ngắn ngủi trước khi chuyển công tác sang Bạch Mai nhưng ông cũng nắm được những nét chính về tính cách của Tường: “Tường là một người khéo léo, nhưng khi nói về khả năng của mình đôi khi cũng nói quá.  Tôi thấy Tường là một người liều lĩnh. Không được đào tạo về PTTH mà dám mở một thẩm mỹ viện, cố ý làm sai quy định của Sở Y tế. Không biết trình độ chuyên môn của Tường thế nào nhưng rõ ràng phòng mạch tư không được phép phẫu thuật như thế. Với bằng chấn thương chỉnh hình, nếu có thêm chứng chỉ PTTM thì Tường chỉ có thể làm một số thủ thuật nhỏ, còn đến độ phải gây mê phức tạp thì không được phép. Việc tự ý cấp cứu nạn nhân khi có tai biến trong khi không có đủ phương tiện, nhân lực là quá liều”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi sự việc xảy ra, Tường có gọi điện cho vợ là chị H. thông báo vụ việc và chị H. đã khuyên chồng đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu nhưng Tường không nghe.

Trong buổi làm việc với phóng viên về trường hợp của Thẩm mỹ viện Cát Tường, số 45 Giải Phóng, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, ông Nguyễn Việt Cường khẳng định: “Thẩm mỹ viện này mới chỉ dừng lại ở đăng kí kinh doanh dịch vụ làm đẹp chứ chưa hề được cấp phép để thực hiện các chức năng như một phòng khám PTTM. Cho nên ngay cả xăm mắt, xăm môi hay cắt mí... cơ sở này đều không được phép thực hiện. Vậy mà bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường đã một mình phẫu thuật nâng ngực cho chị Huyền ngay tại thẩm mỹ viện. Không chỉ hoạt động “chui” mà ông Tường còn cố tình thực hiện hoạt động ngoài phạm vi được cho phép như nâng ngực, sửa mũi... đánh lừa khách hàng”.

Đề cập đến vấn đề trách nhiệm của Sở Y tế trong việc quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở làm đẹp trên địa bàn thành phố Hà Hội, ông Cường chia sẻ: “Với đội ngũ cán bộ Phòng thanh tra của sở chỉ có 4 người, cho nên thực sự rất khó khăn để đi thị sát hết tất cả các cơ sở làm đẹp ở Hà Nội”. Được hỏi về đánh giá của ông trong công tác thanh kiểm tra tại cơ sở đối với sự việc đau lòng xảy ra tại Thẩm mỹ viện Cát Tường, ông Cường nói: “Thẩm mỹ viện này thực hiện các ca phẫu thuật vào ngày nghỉ, thứ bảy, chủ nhật nên không ai có thể thanh tra kiểm tra được cả”. Ông Cường kêu gọi người dân phối hợp với Sở Y tế qua kênh điện thoại nóng để phát giác các cơ sở làm đẹp trái phép trong thời gian tới. Sở sẽ không ngại lập tổ kiểm tra đột xuất các cơ sở được người dân phản ánh.

Cho đến sáng 24-10, mặc dù rất nỗ lực nhưng gia đình nạn nhân và các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được xác chị Huyền. Cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng liên quan.

   
Theo Hồ Phương (CATP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm