Vội khai thác gỗ rừng khi chưa hoàn tất thủ tục

Tối 16-3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, cho biết đã yêu cầu Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Tây Hòa dừng ngay toàn bộ việc khai thác tận thu gỗ rừng trồng tại xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa.

Hàng loạt cây gỗ lớn bị chặt hạ, nằm ngổn ngang khắp nơi. Ảnh: NGỌC ANH

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên khẳng định việc khai thác tận thu trên là không đúng quy định.

“Theo quy định, đơn vị quản lý rừng phải xác định cụ thể, lập bảng kê cây nào bị gãy đổ, cây nào được khai thác. Sau đó, phải báo cáo với chính quyền địa phương, hạt kiểm lâm rồi mới được tận thu.

Do đó, Chi cục Kiểm lâm đã yêu cầu BQLRPH huyện Tây Hòa phải kiểm tra, làm rõ, xác định cụ thể số lượng cây chết, được khai thác trong khu vực rừng trồng. Đồng thời, phải chấn chỉnh lực lượng bảo vệ rừng” - ông Lê Văn Bé nói.

Lực lượng chức năng kiểm tra khu rừng bị khai thác. Ảnh: NGỌC ANH

Cùng ngày, lãnh đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên cùng các cơ quan liên quan đã trực tiếp đến kiểm tra thực tế tình trạng khai thác tận thu gỗ rừng tại thôn Lạc Đạo, xã Sơn Thành Tây.

Theo phản ánh của người dân, trong những ngày qua, có nhiều người dùng cưa máy chặt hạ nhiều cây gỗ lớn trong khu vực rừng trên như sao đen, dầu rái… Sau khi có phản ánh của người dân, Hạt Kiểm lâm huyện Tây Hòa đã đến hiện trường lập biên bản, yêu cầu dừng việc khai thác.

Một cây gỗ có đường kính lớn bị chặt hạ. Ảnh: NGỌC ANH

Ngày 15-3, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Tây Hòa cũng trực tiếp đến kiểm tra. Ghi nhận tại hiện trường cho thấy hàng loạt cây gỗ lớn bị chặt hạ nằm ngổn ngang khắp nơi, trong đó có nhiều cây có đường kính trên 40 cm.

Báo cáo với cơ quan chức năng, BQLRPH huyện Tây Hòa thừa nhận đã tổ chức khai thác tận thu gỗ rừng trồng khi chưa thực hiện hoàn tất các thủ tục theo quy định.

Theo ông Phan Phiến, Giám đốc BQLRPH huyện Tây Hòa, cơn bão số 12 cuối năm 2017 làm hư hỏng, gãy đổ nhiều cây rừng trồng. Ông Phiến cho rằng BQLRPH huyện Tây Hòa tổ chức khai thác tận thu để tránh thất thoát, hạn chế cây khô dễ gây cháy rừng.

Diện tích thu gom, tận thu khoảng 84 ha với tỉ lệ rừng thiệt hại 5%-10%, chủ yếu cây dầu rái, sao đen, được trồng từ những năm 1990. Số lượng cây tận khu khoảng 300 cây với tổng khối lượng hơn 45 m3.

Cũng theo ông Phiến, BQLRPH huyện Tây Hòa không thu gom cây nhỏ, củi cành do không có hiệu quả kinh tế mà cho người dân tận dụng để tránh gây cháy rừng. Lợi dụng việc này, nhiều người đã ồ ạt vào rừng tận thu, cưa lấy gỗ. Trong khi đó, BQLRPH huyện Tây Hòa không quản lý, kiểm soát được tình hình.

Nhiều gốc cây có đường kính lớn đã bị triệt hạ, đã lấy gỗ đưa đi. Ảnh: NGỌC ANH

Trao đổi với PV chiều 16-3, ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên, cũng xác định việc BQLRPH huyện Tây Hòa khai thác tận thu rừng khi chưa báo cáo đầy đủ cơ quan chức năng, chưa hoàn tất thủ tục là không đảm bảo quy định.

Hiện Sở NN&PTNT đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm tổ chức lực lượng kiểm đếm lại toàn bộ số cây rừng bị chặt, có báo cáo cụ thể để xem xét xử lý sai phạm trên. Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng đã báo cáo vụ việc cho UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm