VKS huyện bị đòi bồi thường oan hơn bốn tỷ đồng

VKSND huyện Chợ Lách (Bến Tre) vừa thương lượng lần thứ tư về việc bồi thường do làm oan trong tố tụng với ông Phạm Hồng Thanh nhưng không thành vì vẫn chưa thống nhất được số tiền đền bù. Trước đó, ngày 18-4, ông Thanh đã nộp đơn yêu cầu viện bồi thường hơn bốn tỷ đồng.

Ngoại phạm nhưng vẫn bị giam

Theo cáo trạng của VKSND huyện Chợ Lách, ông Thanh có quan hệ làm ăn, nợ nần với ông B. Ngày 10-2-2002, vợ chồng ông Thanh xuống huyện Chợ Lách chặn đường lấy một chiếc xe gắn máy của con ông B. Lúc lấy xe, ông Thanh hù dọa: “Ba mày thiếu tiền tao, bây giờ tao lấy xe trừ nợ. Mày không đưa xe, tao sẽ đem người đến chặt mày làm ba khúc”... Sau khi sự việc xảy ra, nạn nhân tố cáo. Công an huyện Chợ Lách nhiều lần vận động ông Thanh trả lại xe cho nạn nhân nhưng ông cố tình trốn tránh. Ngày 21-4-2003, ông bị bắt, bị khởi tố rồi bị tạm giam 120 ngày về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Nếu chỉ đọc những dòng cáo trạng trên thì tội trạng của ông Thanh dường như chẳng còn gì để chối cãi nữa. Nhưng sự thật có phải như vậy?

Trong thời gian này ông Thanh liên tục kêu oan. Ông trình bày với cơ quan tố tụng là ngày xảy ra sự việc thì mình đang ở TP.HCM. Ngày đó, ông B. có hứa trả 27 triệu đồng nên vợ cùng người em vợ của ông đến lấy nhưng ông B. không có nên mới trả xe. Khi lấy xe, hai bên có làm giấy biên nhận trừ nợ hẳn hoi.

Khi hồ sơ chuyển đến TAND huyện Chợ Lách, nơi đây đã cho ông Thanh được tại ngoại. Tuy nhiên, lời kêu oan của ông Thanh đã không được lưu ý và tháng 9-2004, tòa đã tuyên phạt ông Thanh 12 tháng tù giam về tội cưỡng đoạt tài sản.

Nóng vội hình sự hóa

Ngay sau đó, ông Thanh đã kháng cáo. Tháng 12-2004, xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bến Tre nhận định vụ án còn có nhiều sơ sót mà tòa tỉnh không thể khắc phục được.

Theo tòa, Công an phường An Khánh, quận 2 (TP.HCM) đã xác nhận trong ngày xảy ra “vụ án”, ông Thanh đang có mặt ở đây. Kế tiếp, nhiều nhân chứng cho biết trong ngày này không có ông Thanh ở địa phương, ngay cả nạn nhân cũng không chắc rằng người lấy xe mình có phải là ông Thanh hay không. Từ đó, tòa kết luận cấp sơ thẩm chưa làm rõ bị cáo có mặt tại hiện trường không, lúc chặn xe có ai dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần nạn nhân không... mà đã kết tội là chưa đủ căn cứ vững chắc. Cuối cùng, tòa đã hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho VKSND huyện Chợ Lách điều tra lại từ đầu.

Hơn một năm sau, tháng 1-2006, TAND huyện Chợ Lách đưa vụ án ra xử sơ thẩm lại và tuyên ông Thanh vô tội, buộc các cơ quan liên quan khôi phục quyền lợi cho ông theo quy định pháp luật. Theo tòa, công an và VKS huyện không đủ chứng cứ chứng minh ông Thanh có mặt tại hiện trường vụ án. Hơn nữa, nếu ông có mặt tại hiện trường thì hành vi của ông cũng không cấu thành tội phạm vì chính phía nạn nhân thừa nhận có “biên nhận về việc giữ xe này”. Biên nhận được làm hai bản, phía nạn nhân giữ một bản và làm mất, còn một bản vợ ông Thanh đã nộp cho công an huyện nhưng công an cũng làm thất lạc.

Sau đó, VKSND huyện Chợ Lách vẫn chưa “tâm phục khẩu phục” nên kháng nghị, yêu cầu xét xử phúc thẩm theo hướng ông Thanh phạm tội. Giữa tháng 5-2006, TAND tỉnh Bến Tre xử phúc thẩm lần hai đã bác toàn bộ kháng nghị và tuyên y án sơ thẩm. Lúc này ông Thanh mới thật sự được minh oan sau 120 ngày bị tạm giam và 1.524 ngày bị vướng vào vòng tố tụng.

Đại gia thành kẻ nghèo xơ

Tiếp chúng tôi trong cái chái xơ xác chỉ rộng chừng 20 m2 ở ấp Phú Thạnh 1, Đồng Phú, Long Hồ (Vĩnh Long) là gia đình đông đúc của ông Thanh. Vậy mà trên đường tìm đến nhà ông, bà con đều hỏi “Chú tìm nhà Thanh đại gia bơm cát ở Long Hồ này hả?”. Hỏi ra mới biết rằng bà con gọi ông là “đại gia” vì trước khi bị bắt, ông từng có trong tay hàng tỷ đồng với hai chiếc ghe bơm cát. Nhưng hiện nay, cả gia tài của ông chỉ còn vỏn vẹn là căn chái này.

Ông Thanh kể, từ ngày bị bắt, tài sản trong nhà lần lượt đội nón ra đi bởi lúc đầu ông bị tạm giam, sau thì bị cấm đi khỏi nơi cư trú, nhiều hợp đồng bơm cát không thực hiện được phải bồi thường gần 400 triệu đồng. Bốn đứa con nhỏ mỗi ngày một lớn, cha già bán thân bất toại mà vợ chồng ông không làm được gì ra tiền. Cuộc sống cứ thế đi xuống dần. Từ một đại gia ở huyện, ông đã trở thành người nghèo nhất nhì trong xóm.

Ông Thanh đã nộp đơn yêu cầu VKSND huyện Chợ Lách bồi thường cho mình hơn bốn tỷ đồng, trong đó gồm hơn 762 triệu đồng tiền thu nhập thực tế bị mất, gần 1,7 tỷ đồng tiền thiệt hại do tài sản không thể khai thác sử dụng trong thời gian bị tạm giam và bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Ngoài ra, ông Thanh còn yêu cầu bồi thường các khoản tiền đã bồi thường hợp đồng cho các đối tác làm ăn, chi phí điều trị bệnh của bản thân, tổn thất tinh thần... gần 1,6 tỷ đồng.

Qua ba lần thương lượng, giữa ông và VKSND huyện Chợ Lách chưa thống nhất được một khoản nào. Ông Thanh cho biết: “Tôi đã yêu cầu viện lập biên bản thương lượng không thành để khởi kiện ra tòa, đòi lại quyền lợi chính đáng của mình”.

NGUYÊN TRƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm