Vì sao trẻ ăn xin cứ từ Thanh Hóa?

Nay lại thêm hai em nhỏ bị chủ đánh đập bằng cây phơi đồ, cây gỗ..., đặc biệt trong đó có cả em nhỏ bị bại não ngơ ngác không thể tự bảo vệ mình. Cũng điệp khúc nếu không xin đủ 200.000 đồng/ngày thì bị ăn đòn, cũng lại là trẻ ăn xin đến từ Quảng Xương, Thanh Hóa. Không phải bây giờ mà từ nhiều năm nay, khi nhắc đến trẻ ăn xin thì ở thành phố này luôn có hình ảnh của trẻ ở tỉnh này.

Tại sao trẻ ăn xin Thanh Hóa bị hành hạ vẫn cứ tái diễn?

Nghị định 114/2006/CP đã có những mức xử phạt hành chính cụ thể đối với từng trường hợp bắt trẻ em đi xin ăn, cho thuê, cho mượn trẻ em để xin ăn, tổ chức cho trẻ em đi xin ăn... Mức phạt tiền từ năm trăm ngàn đến 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, Luật hôn nhân và gia đình đã có quy định tạm tước quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên khi họ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Việc tạm tước quyền này có thể kéo dài từ một đến năm năm, do tòa án quyết định dựa trên yêu cầu của người thân của trẻ, Viện kiểm sát, Hội Liên hiệp phụ nữ hoặc Ủy ban Dân số -Gia đình và Trẻ em...

Tuy nhiên, sau hàng loạt vi phạm của các bậc cha mẹ đẩy con đi ăn xin vừa qua, ông Lê Bá Tuấn, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số -Gia đình và Trẻ em huyện Quảng Xương, cho biết chưa xử lý bất kỳ cha mẹ nào. Nguyên nhân được đưa ra là do gia đình các em quá nghèo, trình độ dân trí thấp nên khó có thể xử phạt hành chính, kể cả việc tạm tước quyền nuôi con. Vấn đề ở đây không còn là chuyện nghèo, chuyện trình độ dân trí mà là lương tâm của các bậc cha mẹ chưa có dịp tỉnh thức.

Nếu chính quyền địa phương còn du di thì việc các em còn bị đẩy đi xin ăn, bị thất học, bị đánh đập, hành hạ... sẽ còn xảy ra dài dài. Và như thế câu chuyện sẽ không dừng lại ở những cái tên như Trang, Sáng, Toan, Còi...

THANH MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm