Vì sao ông Trần Hùng bị khởi tố và bắt tạm giam?

Như PLO đã đưa tin, cơ quan CSĐT Bộ Công an đang điều tra vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và môi giới hối lộ xảy ra tại Công ty Cố phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát; Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội và các đơn vị liên quan.

Tính đến nay, công an đã khởi tố tổng cộng 12 bị can, trong đó có bốn cán bộ quản lý thị trường, cùng về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Những người này gồm: Trần Hùng (nguyên tổ trưởng tổ 304 nay là tổ trưởng tổ 1444, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương), Lê Việt Phương (nguyên Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 17, nay là Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14, Phạm Ngọc Hải và Thành Thị Đông Phương (nguyên kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 17, nay là kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 14).

Ông Trần Hùng, tổ trưởng tổ 1444 (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương). Ảnh: BCA

Phát hiện sai phạm nhưng không báo cáo

Theo tìm hiểu, giữa năm 2020, Tổng cục Quản lý thị trường có chỉ đạo về việc tăng cường kiểm tra đối với hoạt động in ấn, lưu thông xuất bản sách giáo khoa chuẩn bị phục vụ năm học mới 2020-2021.

Thực hiện việc này, Cục Quản lý thị trường Hà Nội chỉ đạo các Đội quản lý thị trường cơ động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó có Đội Quản lý thị trường số 17, tiến hành kiểm tra các cơ sở hoạt động kinh doanh in, phát hành xuất bản phẩm, sách giáo khoa trên địa bàn Hà Nội.

Ngày 9-7-2020, Đội Quản lý thị trường số 17 kiểm tra cơ sở kinh doanh thuộc Công ty TNHH Phú Hưng Phát, địa chỉ số 87 ngõ 1141 Giải Phóng, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Đây cũng chính là công ty có hàng loạt bị can bị khởi tố về tội sản xuất, buôn bán hàng giả ở vụ án này.

Kết quả, đoàn kiểm tra phát hiện, tạm giữ số xuất bản phẩm gồm 27.200 cuốn sách giáo khoa các loại chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu in lậu.

Tuy nhiên, các bị can là những cán bộ thuộc Đội Quản lý thị trường số 17 đã không thực hiện việc báo cáo tới cơ quan điều tra có thẩm quyền mà tự ý xử lý vụ việc.

Về phía mình, ông Trần Hùng thời điểm đó là người trực tiếp chỉ đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội và Đội Quản lý thị trường số 17 tiến hành kiểm tra kho của Công ty Phú Hưng Phát. Vậy nhưng, sau khi phát hiện số lượng sách giáo khoa có dấu hiệu in lậu, ông Hùng lại không chỉ đạo giải quyết vụ việc đối với cấp dưới theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Việc này dẫn tới Công ty TNHH Phú Hưng Phát tiếp tục thực hiện các hành vi sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả với số lượng lớn, trong thời gian dài.

Đáng chú ý, trong vụ án, có một bị can bị khởi tố tội môi giới hối lộ, đó là Nguyễn Duy Hải (lao động tự do). Hải chính là người đã tới gặp và tác động, “nhờ” ông Trần Hùng xử lý nhẹ vụ việc của Công ty TNHH Phú Hưng Phát.

Các bị can (từ trái qua phải): Lê Việt Phương, Phạm Ngọc Hải, Thành Thị Đông Phương. Ảnh: BCA

Đường dây sản xuất sách lậu cực lớn

Từ ngày 18-6 đến 22-6, cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ bắt quả tang các đối tượng tham gia in ấn, gia công, tiêu thụ sách giả tại hàng loạt cơ sở in.

Những cơ sở này gồm: Xưởng in sách số 297 đường Vĩnh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội), các xưởng gia công sách giả tại số 315 đường Vĩnh Hưng và thôn Viêm Khê, xã Hợp Tiến (Mỹ Đức, Hà Nội) của Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội; trụ sở Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Phú Hưng Phát tại số 14 ngõ 197 Hoàng Mai (Hoàng Mai, Hà Nội).

Lực lượng công an cũng khám xét khẩn cấp hơn 50 địa điểm của đường dây sản xuất và tiêu thụ các loại sách giáo khoa giả trên địa bàn các tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thanh Hóa.

Kết quả, C03 tạm giữ nhiều vật chứng trong vụ án, trong đó có hơn 3,2 triệu quyển sách giáo khoa giả các loại của Nhà xuất bản Giáo dục, ba hệ thống dây chuyền máy in Offset, nhiều máy gia công sách giả, hơn 1,5 triệu tem giả của Nhà xuất bản Giáo dục và nhà xuất bản khác, năm ô tô tải và nhiều máy móc, công cụ dùng để bốc xếp, vận chuyển sách, khoảng 20 tỉ đồng từ nguồn thu bất hợp pháp...

Sau khi khởi tố vụ án, C03 khởi tố, bắt tạm giam 7 người về tội sản xuất, buôn bán hàng giả, trong đó có Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Phú Hưng Phát, Chủ các Nhà sách Minh Thuận, 358 Nguyễn Trãi, Hà Nội).

Tiếp đó, C03 ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Đội Quản lý thị trường số 17 (thuộc Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội) và một số đơn vị liên quan.

Ba bị can bị khởi tố và bắt tạm giam về tội danh nêu trên, gồm ông Lê Việt Phương (nguyên Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 17, nay là Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14), Phạm Ngọc Hải và Thành Thị Đông Phương (nguyên kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 17, nay là kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 14).

Mới đây nhất, C03 khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Trần Hùng (nguyên tổ trưởng tổ 304 nay là tổ trưởng tổ 1444, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương) về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Nguyễn Duy Hải về tội môi giới hối lộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm