Vì sao luật sư Trừng rút khỏi hội đồng (*)?

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ngày 18-6 vừa qua, luật sư Nguyễn Đăng Trừng - Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM đã có văn bản gửi ông Hà Hùng Cường - Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất để thông báo việc rút tên ra khỏi Hội đồng lâm thời luật sư toàn quốc. Sau đó, nội dung văn bản này đã được đăng công khai trên bản tin của Đoàn luật sư TP.HCM.

Nhân sự “bất ổn”?

Trước đó, chiều ngày 4-6, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đã công bố quyết định thành lập Hội đồng lâm thời luật sư toàn quốc. 15 thành viên hội đồng lâm thời đã ra mắt với chủ tịch là nguyên Phó Chánh án TAND tối cao Lê Thúc Anh. Hai phó chủ tịch là nguyên Phó Trưởng Ban Nội chính trung ương Trần Đại Hưng và nguyên Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp Nguyễn Văn Thảo. Cả ba vị này đều vừa được cấp thẻ hành nghề luật sư không lâu sau khi nghỉ hưu. 12 ủy viên còn lại là luật sư đại diện cho các vùng miền, trong đó có luật sư Phạm Hồng Hải, luật sư Nguyễn Đăng Trừng - chủ nhiệm hai đoàn luật sư Hà Nội và TP.HCM.

Theo luật sư Trừng, sau khi nghiên cứu quyết định này, ông cho rằng thành phần nhân sự của Hội đồng lâm thời luật sư toàn quốc trái với nội dung đề án thành lập tổ chức luật sư toàn quốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 76 ngày 16-1. Vì vậy, ông nhận thấy việc ông tham gia Hội đồng lâm thời luật sư toàn quốc là không cần thiết. Ngày 11-6, Ban chủ nhiệm và Hội đồng khen thưởng-kỷ luật của Đoàn luật sư TP.HCM đã họp và nhất trí với việc ông rút tên khỏi Hội đồng lâm thời luật sư toàn quốc.

Chủ tịch chưa phải là luật sư?

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trừng cho biết thêm trong đề án thành lập tổ chức luật sư toàn quốc, Thủ tướng đã nêu rõ tiêu chí của những người trong tổ chức này như sau: Họ phải là luật sư, am hiểu sâu sắc về nghề luật sư và có thực tiễn hoạt động luật sư ở Việt Nam. Trong khi đó, Ban chỉ đạo Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lại chỉ định ông Lê Thúc Anh - “một người chưa từng là luật sư ngày nào vào giữ trọng trách là chủ tịch Hội đồng lâm thời luật sư toàn quốc”. “Chỉ định một người chưa làm luật sư thì làm sao có thể hiểu về nghề luật sư, có thực tiễn hoạt động? Như thế thì tôi ở trong hội đồng để làm gì?”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Lê Thúc Anh đã được Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề luật sư vào ngày 31-3 nhưng đến nay vẫn chưa là thành viên một đoàn luật sư nào. Trước đó, ông Lê Thúc Anh đã nộp đơn xin gia nhập Đoàn luật sư TP.HCM nhưng ngày 11-6, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM đã họp và ra văn bản từ chối kết nạp ông Lê Thúc Anh (được đăng cùng số, cùng trang với văn bản thông báo luật sư Trừng rút tên khỏi Hội đồng lâm thời luật sư toàn quốc trên bản tin của Đoàn luật sư TP.HCM - NV).

Những quan ngại

Một số thành viên của Hội đồng lâm thời luật sư toàn quốc đã bày tỏ sự quan ngại rằng sự việc này sẽ khiến Tổ chức Luật sư toàn quốc ra mắt chậm hơn dự kiến.

Theo đề án thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 1, lẽ ra Hội đồng lâm thời luật sư toàn quốc phải được thành lập từ tháng 2. Tuy nhiên, vì một số lý do, mãi tới tháng 6 hội đồng mới ra mắt. Vì sự chậm trễ này, nhiều người đã cho rằng đại hội đại biểu luật sư toàn quốc sẽ không kịp tổ chức vào tháng 7 như dự kiến mà phải kéo dài đến cuối năm. Nay lại phát sinh sự cố một thành viên hội đồng lâm thời rút tên, chắc chắn quá trình chuẩn bị để tổ chức đại hội sẽ còn phải kéo dài hơn nữa.

Những quan ngại trên là có cơ sở trong tình hình hiện nay bởi như Chủ tịch Hội đồng lâm thời Lê Thúc Anh đã thừa nhận, công việc chuẩn bị cho đại hội đang rất phức tạp, nhất là trong điều kiện đặc thù “hai luật gia, ba ý kiến” và ban lãnh đạo hội đồng lâm thời chưa phải là luật sư lâu năm. “Vạn sự khởi đầu nan”, việc “thai nghén” cho sự ra đời của Tổ chức Luật sư toàn quốc đang gặp khó khăn từ việc chuẩn bị nhân sự, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động cho tới soạn thảo điều lệ và các văn kiện trình đại hội đại biểu luật sư toàn quốc.

Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất Hà Hùng Cường, Hội đồng lâm thời luật sư toàn quốc được sử dụng con dấu của bộ, có trách nhiệm dự thảo điều lệ tổ chức luật sư toàn quốc, hướng dẫn 62 đoàn luật sư cả nước bầu đại biểu và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất. Đây là cơ sở để lập ra Liên đoàn Luật sư Việt Nam - tổ chức xã hội nghề nghiệp, đại diện và bảo vệ quyền lợi cho luật sư, các đoàn luật sư trên cả nước.

NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm