Vì sao đường dây buôn lậu tại Công ty Nhật Cường bị lộ?

Trong kết luận điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cáo buộc Bùi Quang Huy (tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) cùng các đồng phạm đã nhập lậu, tiêu thụ 254,364 sản phẩm là điện thoại và thiết bị điện tử, thu được tổng số tiền hơn 3,213 tỉ đồng, qua đó hưởng lợi hơn 221 tỉ đồng.

Đáng chú ý, Bộ Công an cho biết việc phát hiện đường dây buôn lậu của Công ty Nhật Cường xuất phát từ một đơn tố giác.

Cụ thể, ngày 8-5-2019, cơ quan chức năng nhận được đơn tố giác về một số sai phạm của Bùi Quang Huy. Căn cứ vào đơn này và các tài liệu thu thập được, chỉ một ngày sau, hôm 9-5, Bộ Công an đã khám xét khẩn cấp chín địa điểm liên quan đến Huy và chuỗi cửa hàng của Công ty Nhật Cường.

Thời điểm khám xét, công an thu giữ gần 2.000 sản phẩm hàng hóa các loại cùng nhiều tài liệu liên quan.

Tuy nhiên, ngay trong ngày cơ quan công an tiến hành khám xét chuỗi cửa hàng của Công ty Nhật Cường, Bùi Quang Huy đã bỏ trốn. Do vậy, Bộ Công an đã ra quyết định truy nã đối với bị can này.

Tiếp đó, ngày 14-5, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “buôn lậu” và "vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Hai tháng sau, công an ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án “ rửa tiền”.

Cuối tháng 11-2019, Bộ Công an tiếp tục ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tính đến nay, Bùi Quang Huy đã bị khởi tố tổng cộng bốn tội danh khác nhau, gồm: “buôn lậu”, "vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “rửa tiền” và “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Do chưa thể truy bắt được Huy, cơ quan công an đã tạm đình chỉ bị can đối với tổng giám đốc Công ty Nhật Cường về các tội danh đã nêu, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Cũng theo kết luận điều tra, Công ty Nhật Cường thành lập năm 2001, đến năm 2019 có vốn điều lệ 38 tỉ đồng, do Bùi Quang Huy làm tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật. Nhật Cường đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó có buôn bán thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông.

Từ năm 2014 đến 2019, Huy sử dụng hệ thống nhân sự của Nhật Cường để mua 255.311 sản phẩm điện thoại di động, máy nghe nhạc, máy tính bảng, đồng hồ… với tổng trị giá 2.927 tỉ đồng. Số hàng này được nhập từ 16 chủ hàng có địa chỉ tại các nước Mỹ, UAE, Singapore, Hồng Kông…

Sau khi mua hàng, Huy không ký hợp đồng với các nhà cung cấp để nhập khẩu chính ngạch mà chỉ bỏ ra số tiền hơn 72,9 tỉ đồng để thuê vận chuyển hàng trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam, sau đó phân phối đến các cửa hàng để tiêu thụ.

Đáng chú ý, năm 2012, Huy thành lập Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường SoftWare), sử dụng nguồn tiền từ các hoạt động của Công ty Nhật Cường để xây dựng một số phần mềm công nghệ thông tin nhằm mục đích bán cho các đơn vị, tổ chức kinh tế sử dụng.

Cơ quan điều tra cho rằng hành vi sử dụng nguồn tiền có được từ buôn lậu sang đầu tư, kinh doanh hợp pháp nhằm biến dòng tiền trở thành hợp pháp của Bùi Quang Huy có dấu hiệu của tội rửa tiền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm