Ùn tắc giao thông ở TP.HCM: Gây thiệt hại 14.000 tỷ đồng/năm

Sau bảy tháng thực hiện các biện pháp kéo giảm ùn tắc giao thông (UTGT), số vụ UTGT không giảm, lượng xe tham gia lưu thông ngày càng tăng, mặt đường thì bị nhiều lô cốt lấn chiếm khiến người tham gia giao thông luôn cảm thấy ngày càng đi chậm hơn”. Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM, đã nhận xét như vậy tại chương trình “nói và làm” sáng qua, 4-5.

“Lô cốt” xí hết đường đi

Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTCC, cho biết tình hình tai nạn giao thông có giảm cả về số vụ và số người chết nhưng UTGT có tăng chút ít. Thượng tá Võ Văn Vân, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ (Công an TP), cũng cho biết việc UTGT chỉ xảy ra ở một số nơi chứ không bao trùm toàn TP nên đừng quá bi quan.

Không đồng tình với hai ý kiến trên, ông Đình Xê đến từ Báo Người Lao Động đề nghị giám đốc Sở GTCC thẳng thắn cho biết tám nhóm giải pháp kéo giảm UTGT hiệu quả đến đâu. “Đến nay, đề án lệch ca, lệch giờ vẫn còn đang tiếp tục nghiên cứu. Việc chấn chỉnh trật tự lòng lề đường thực hiện kết quả như thế nào không biết nhưng đi đến đâu dân cũng rên. Các “lô cốt” sừng sững giữa đường mọc lên dày đặc, người dân phải chen lấn, vất vả lắm mới qua được các đoạn đường có lô cốt!” - ông Xê bức xúc. Ông Xê cũng phản đối ý kiến chủ quan trước ùn tắc vì UTGT làm TP thiệt hại mỗi năm tới 14.000 tỷ đồng.

Một số cử tri gọi điện thoại đến “nhắc nhở” một thực tế là UTGT hiện nay không chỉ do phương tiện nhiều mà còn do các công trình đào bới, rào chắn được triển khai đồng loạt nhưng làm quá chậm. Cả trăm “lô cốt” rải đều và không được làm theo cách cuốn chiếu mà làm cùng lúc nên không còn đường để đi.

Theo ông Phượng, hiện toàn TP có 65 “lô cốt” nằm trên 43 tuyến đường. Năm nay sẽ làm xong một số công trình trọng điểm để giải tỏa các “lô cốt” trên đường Nam kỳ Khởi Nghĩa, 12 điểm trên đường Trần Hưng Đạo. Đến năm 2009 sẽ tháo dỡ các điểm còn lại.

Trước kia lô cốt dự án cải tạo môi trường nước trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận thi công chưa đồng bộ gây ách tắc giao thông nay đã được tháo bỏ. Ảnh: HTD
Trước kia lô cốt dự án cải tạo môi trường nước trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận thi công chưa đồng bộ gây ách tắc giao thông nay đã được tháo bỏ. Ảnh: HTD

Sẽ siết các nhà thầu

Bà Phạm Phương Thảo cho biết tỷ lệ đất cho giao thông hướng đến là phải trên 15% nhưng con số này hiện chỉ là 4%, trong đó nội thị chỉ 1,7%. Đất giao thông đã ít, nhiều công trình lại chiếm dụng cũng là nguyên nhân gây UTGT.

Bà Thảo cũng cho hay TP đang có nhiều công trình rùa, trong đó có bốn dự án vốn ODA gồm dự án vệ sinh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, nâng cấp đô thị Lò Gốm, đại lộ Đông Tây, dự án kênh Đôi, kênh Tẻ chậm tiến độ tới 1,5 năm. HĐND TP sẽ tiếp tục giám sát, tập trung chỉ đạo để cố gắng dứt điểm trong năm 2009, dỡ bỏ các “lô cốt” góp phần giảm UTGT.

Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch UB MTTQ TP, hỏi Sở GTCC khi thực hiện các công trình có hợp đồng thực hiện đồng bộ với điện, nước không. Ông Phượng cho biết TP đang cố gắng xây dựng bản đồ ngầm nhưng hiện nay chỉ được một phần nên nhiều dự án bị vướng công trình ngầm phải mất thời gian xử lý. Một nguyên nhân khiến các dự án thêm chậm trễ là khó khăn về tài chính của nhà thầu do giá cả biến động lớn trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cho biết trong các tháng vừa qua, TP đã tập trung chỉ đạo siết các nhà thầu. Đơn vị nào không đúng hợp đồng sẽ cắt, các tổng công ty làm chậm thì TP có sự phối hợp với các bộ, ngành liên quan để giải quyết.

Còn sử dụng đường một cách lãng phí

Thượng tá Võ Văn Vân cho rằng phải có điều tra cơ bản, khảo sát luồng lưu thông vào trung tâm theo ngày, giờ để điều chỉnh cho hợp lý. Theo ông Vân, hiện nay còn sử dụng đường rất lãng phí, một số đường đầy xe còn có đường vắng hoe. Phải điều chỉnh các luồng tuyến, các chiều để điều hòa lưu thông. Ví dụ như đường Trường Chinh sáng cho sáu làn đi vô, hai làn đi ra và buổi chiều thì ngược lại. “Phải tăng cường CSGT và các lực lượng phối hợp bố trí trước tại các điểm ùn tắc để phòng ngừa” - ông Vân đề xuất.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng nên nghiên cứu, phối hợp triển khai sớm đề án lệch ca, lệch giờ đối với hệ thống trường học. Hiện TP có hơn một triệu học sinh và khoảng 400 ngàn sinh viên. Vào giờ cao điểm, hàng triệu người tham gia giao thông cùng một lúc vì mục đích học tập, ùn tắc là không tránh khỏi. Thêm vào đó, cần kết hợp việc di dời trường học ra ngoại thành, xây ký túc xá để giảm đi lại. Tuy nhiên theo nhà báo Thu An, những giải pháp có nhiều ý kiến trái chiều như đề án lệch ca thì không nên làm nữa, để tập trung cho chuyện khác có hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Hữu Tín cho biết ngoài những giải pháp trước mắt mang tính tình thế, về lâu dài TP sẽ tăng đầu tư vận tải hành khách công cộng gắn với lộ trình giảm xe hai bánh. Hiện TP đã giao cho sở GTCC nghiên cứu lộ trình, hy vọng đến năm 2010 khởi công tuyến metro. Ông Tín cũng cho hay trong tháng 5 này, TP sẽ ban hành quy chế sử dụng lòng lề đường, vỉa hè để quản lý, cấp phép, sử dụng theo hướng chủ động giao cho người dân quản lý.

Tám giải pháp kéo giảm ùn tắc giao thông ở TP

Học tập, làm việc lệch ca, lệch giờ; tăng cường giáo dục, tuyên truyền pháp luật giao thông đường bộ; lập lại trật tự lòng lề đường; phân luồng giao thông một chiều, cải thiện kích thước hình học các giao lộ; chấn chỉnh hoạt động xe buýt; đẩy mạnh tiến độ thi công công trình giao thông chiếm đường; thành lập ban chỉ huy thường trực phòng chống tai nạn giao thông và UTGT; tăng cường tuần tra, xử phạt.

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm