Tước giấy phép lái xe buýt bắt khách quỳ

Chánh Thanh tra Bộ GTVT Nguyễn Xuân Hào đã đề nghị phải tịch thu giấy phép lái xe đối với Đỗ Hữu Long (tài xế trên tuyến xe buýt 34 Mỹ Đình - Gia Lâm) bởi có những hành vi làm nhục hành khách.

Thông tin lái xe Đỗ Hữu Long và nhân viên bán vé Nguyễn Chí Thanh phục vụ trên chiếc xe buýt BKS 30K-1550 (tuyến 34, Bến xe Mỹ Đình – Bến xe Gia Lâm, của Xí nghiệp xe điện Hà Nội) có hành vi chửi mắng, bắt anh Nguyễn Ngọc Phúc (quê Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) quỳ xuống xin mở cửa xe mới cho xuống đã gây xôn xao dư luận mấy ngày qua.

Tước giấy phép lái xe buýt bắt khách quỳ ảnh 1

Tài xế xe buýt 34 Đỗ Hữu Long (trái) và phụ xe Nguyễn Chí Thanh (phải).

Sự việc trên đã thu hút được sự quan tâm lớn của dư luận, bởi lâu nay khá nhiều người bức xúc với thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt. Theo luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Hồng Hà – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) hành vi của hai nhân viên xe buýt nói trên đủ cấu thành tội làm nhục người khác. “Tội làm nhục người khác chỉ cần có hành vi mà không cần có hậu quả” - luật sư Bình cho biết trên báo Giáo dục Việt Nam.

Tước giấy phép lái xe buýt bắt khách quỳ ảnh 2

Ảnh: Hành khách bị đánh và bắt quỳ trên chuyến xe buýt 34 mang BKS 30K-1550 của Xí nghiệp Xe điện Hà Nội chạy tuyến Mỹ Đình - Gia Lâm (Nguồn: Vnexpress)

Theo luật sư Bình, sự việc bắt khách quỳ xin mở cửa vừa diễn ra vào chiều ngày 22/10 đã hội tụ hai yếu tố để cấu thành tội làm nhục người khác: Thứ nhất, nhân viên xe buýt có thái độ quát nạt, xô đẩy và bắt khách quỳ mới mở cửa. Thứ hai, hành vi này lại diễn ra giữa chốn đông người.

Ông Nguyễn Xuân Hào, Chánh Tranh tra Bộ GTVT cho biết trên VTC News: Hiện, Thanh tra Sở GTVT đã gặp trực tiếp nạn nhân và nhân chứng để củng cố chứng cứ, hoàn thiện hồ sơ, sau đó sẽ chuyển hồ sơ sang công an xem xét khởi tố, vì đây là hành vi xúc phạm danh dự và nhân phẩm của người khác.

Cũng trên báo này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (đơn vị được Sở GTVT Hà Nội giao quản lý và điều hành mạng lưới xe buýt của Hà Nội) khuyến cáo người dân nên phản ánh ngay những hành vi sai trái của nhân viên phục vụ xe buýt, từ đó cơ quan chức năng có cơ sở để điều chỉnh lại hành vi cũng như một chế tài xử lý những nhân viên này.

Liên quan đến sự việc trên, chiều ngày 23/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tiến hành điều tra và phải kỷ luật nghiêm khắc 2 nhân viên này. Sau một ngày, hội đồng kỷ luật Xí nghiệp xe điện HN đã họp xét kỷ luật lao động và ra quyết định sa thải đối với lái xe Đỗ Hữu Long và nhân viên bán vé Nguyễn Chí Thanh.

Điều 121 (BLHS). Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Theo Mẫn Chi tổng hợp (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm