Tu bổ đền Lý Chiêu Hoàng: Đâu phải cứ xấu là phá bỏ!

Trên số báo ra ngày 14-4, Pháp Luật TP.HCM đã có bài viết xoay quanh việc tu bổ đền thờ Lý Chiêu Hoàng. Sau khi Báo ra, chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư trong lĩnh vực bảo tồn di tích.

Nhà nghiên cứu di sản văn hóa Trần Lâm Biền:

Dỡ bỏ đền là đúng!

Tu bổ đền Lý Chiêu Hoàng: Đâu phải cứ xấu là phá bỏ! ảnh 1Hôm qua (14-4), nhà nghiên cứu di sản văn hóa Trần Lâm Biền cùng một số thành viên của Cục Di sản văn hóa đã có cuộc khảo sát tại di tích lịch sử đền thờ vua bà Lý Chiêu Hoàng (còn gọi là Đền Rồng) ở phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sau chuyến khảo sát, nhà nghiên cứu di sản văn hóa Trần Lâm Biền cho biết: Việc dỡ bỏ là đúng, chỉ có thời gian tiến hành chưa đúng. Bởi di tích đền thờ Lý Chiêu Hoàng nhận được quyết định tu bổ của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh trước khi nhận được quyết định xếp hạng của địa phương, vì vậy quyết định dỡ bỏ không có ý tùy tiện. Đền thờ Lý Chiêu Hoàng chỉ được xếp hạng nhờ giá trị tưởng niệm chứ không phải nhờ giá trị nghệ thuật.

Về giá trị nghệ thuật của đền thờ Lý Chiêu Hoàng thì đây là một di tích nhưng là di tích được xây dựng lại trong thế kỷ 20, giá trị văn hóa nghệ thuật của di tích này rất thấp. Ngoài nghi môn thì toàn bộ kiến trúc của đền với lối kiến trúc nhà năm gian của nông thôn theo lối Tây. Kết cấu trong nhà bằng khung gỗ và những mối liên kết đã bị mục, nếu để thêm thì nguy cơ tai nạn khá cao. Phần chạm khắc của di tích rất yếu, chỉ là những nét tránh thô cứng, không mang giá trị nghệ thuật cao, cũng không nói được yếu tố chạm khắc gắn với tâm linh.

Nguyên tắc tu bổ di tích là có thể tôn tạo, sửa chữa những cái gì sai lầm của thời gian trước. Một công trình mà giá trị văn hóa nghệ thuật rất thấp, chỉ mang giá trị nơi tưởng niệm thì việc tháo dỡ xuống, làm lại cái khác khang trang hơn, phù hợp phong cách truyền thống hơn đó là điều dân tộc ta vẫn thường làm.

GS-TS Phạm Mai Hùng, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam:

Thiếu cơ sở khoa học

Tu bổ đền Lý Chiêu Hoàng: Đâu phải cứ xấu là phá bỏ! ảnh 2Theo những thông tin tôi được biết thì việc UBND phường Đình Bảng tu bổ Đền Rồng đã không theo đúng quy trình tu bổ di tích lịch sử mà Luật Di sản văn hóa (ban hành năm 2001) đã quy định. Đúng ra, sau khi Đền Rồng được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, UBND phường phải xây dựng phương án tu bổ, sau đó trình lên Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thẩm định, Sở có ý kiến và UBND tỉnh phê duyệt thì mới được tu bổ. Không thể cứ dựa vào các văn bản thỏa thuận cho tu bổ từ trước khi được công nhận là di tích lịch sử để xây dựng lại.

Mặt khác, đến thời điểm này thì việc xây dựng ngôi đền mới dựa trên những cơ sở không thuyết phục. Thứ nhất, trí nhớ của các cụ cao tuổi về kiểu dáng kiến trúc ngôi đền cổ từ trước năm 1919 không phải là một cơ sở khoa học. Thứ hai, địa phương nói rằng đập bỏ ngôi đền cũ vì kiến trúc của nó xấu, mang nhiều nét Tây, theo tôi là không đúng. Dù xấu thì cũng gắn bó với tâm huyết của tiền nhân. Nếu cứ xấu mà xóa như thế này thì di sản cha ông sau này chẳng còn gì!

Ông Phạm Hữu Mý, Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa TP.HCM:

Là di tích thì không được đập bỏ!

Tôi không đi thực tế ở Bắc Ninh nên chưa nắm rõ được tình hình ở đền thờ Lý Chiêu Hoàng. Tuy nhiên, dưới góc độ là người quản lý di tích, tôi có thể nói rằng khi đã là di tích thì không được đập bỏ. Nguyên tắc tu bổ, bảo tồn di tích là khôi phục những yếu tố đã mất trên cơ sở những cái có sẵn. Tu bổ, phục dựng những yếu tố đã mất dựa trên căn cứ khoa học của di tích đó. Những yếu tố cũ phải cố gắng bảo tồn tối đa, không thể tự động thay thế hết được.

Kiến trúc sư Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện bảo tồn di tích, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch:

Can thiệp phần xác làm mất phần hồn

Tu bổ đền Lý Chiêu Hoàng: Đâu phải cứ xấu là phá bỏ! ảnh 3Trong vòng ba năm trở lại đây, khoảng 1.500 tỷ đồng (trong đó có 900 tỷ đồng từ nguồn ngân sách quốc gia) đã được đầu tư cho công tác tu bổ, phục hồi di tích. Nhưng tôi thấy tình trạng tu bổ di tích thiếu thận trọng đang diễn ra rất tràn lan. Nói một cách hình ảnh là phần xác của di tích được can thiệp, chăm sóc nhiều nhưng phần hồn của di tích không được giữ gìn đúng mức.

Riêng với Đền Rồng, việc phục dựng ngôi đền mà chỉ căn cứ vào trí nhớ của các cụ cao tuổi ở địa phương là không đủ. Đó chỉ là yếu tố để tham khảo thôi. Tu bổ, phục hồi di tích là can thiệp vào đối tượng vật chất được hình thành từ xa xưa, phải có một quá trình khảo sát kỹ lưỡng, sau đó đưa ra nhiều phương án và lựa chọn phương án tốt nhất. Động đến di tích thì không thể cẩu thả được!

Kiến trúc sư Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế:

Quan trọng là xác định mục tiêu tu bổ

Tu bổ đền Lý Chiêu Hoàng: Đâu phải cứ xấu là phá bỏ! ảnh 4Tôi chỉ là người làm bảo tồn di tích cho Huế nên không có ý định bình luận, phê phán gì công việc của những người tu bổ Đền Rồng. Nhưng theo nguyên tắc chung, khi tu bổ, những người làm nghề chúng tôi tôn trọng nhất nhu cầu của xã hội. Mỗi loại hình kiến trúc khác nhau thì người tu bổ có cách ứng xử khác. Ví dụ như người dân Đình Bảng muốn tu bổ để khẳng định lịch sử xa xưa của một ngôi đền được xây dựng từ thế kỷ 13 thì tôi cho rằng cũng nên phục dựng những kiến trúc cổ.

Trong nghề tu bổ, phục hồi di tích, cũng có kiểu tu bổ, phục hồi nhằm trả lại các giá trị thời gian của di tích. Nhưng nếu người Đình Bảng muốn ngôi đền thể hiện sự chồng lấn tầng tầng lớp lớp những dấu tích văn hóa qua các thời đại thì vẫn có thể giữ lại kiến trúc của ngôi đền được xây dựng từ năm 1921. Theo tôi, cả hai cách làm đều chấp nhận được. Quan trọng nhất khi tu bổ di tích là xác định mục tiêu tu bổ hướng đến là gì.

- Tu bổ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh là hoạt động nhằm tu sửa, gia cố, tôn tạo di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.

- Phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh là hoạt động nhằm phục dựng lại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã bị hủy hoại trên cơ sở các cứ liệu khoa học về di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đó.

(Trích Điều 4 Luật Di sản văn hóa)

BẢO PHƯỢNG - QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm