Trộm chó ngày càng táo tợn: Xử nghiêm, dân mới giảm bức xúc

Trộm chó ngày càng táo tợn: Xử nghiêm, dân mới giảm bức xúc ảnh 1
Hàng ngàn người dân vây xe công an chở kẻ trộm chó ngày 10-6 tại xã Tân Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) - Ảnh: V.Toàn

* Kiểm sát viên cao cấp TRẦN ĐÔNG CHU (Viện Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm - VKSND tối cao tại TP.HCM):

Do chưa được xử lý nghiêm

Xảy ra nhiều vụ trộm chó, rồi người dân đánh chết kẻ trộm chó xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó có việc cơ quan chức năng thường xem chuyện người dân bị trộm chó là vi phạm không lớn, chưa đến mức xử lý hình sự nên cũng không quan tâm xử lý.

Nhiều vụ người dân đánh chết người trộm chó cũng không được điều tra làm rõ, truy trách nhiệm cụ thể đối với cá nhân nào đã tham gia đánh chết người trộm chó mà thường bị bỏ lửng vì lý do cả đám đông đánh nên không biết ai trực tiếp gây cái chết cho người trộm chó để xử lý. Từ đó, nhiều người dân vẫn chưa ý thức được việc mình đánh người trộm chó là vi phạm pháp luật nghiêm trọng bởi tính mạng sức khỏe của con người được pháp luật bảo vệ. Hành vi vi phạm của người trộm cắp là sai phạm, nhưng sai phạm này phải do cơ quan chức năng mới có quyền xử lý, tùy mức độ sai phạm mà có thể xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

* Thẩm phán VƯƠNG VĂN NGHĨA (tòa hình sự TAND TP.HCM):

Có thể xử lý hình sự

Để tạo sự tin tưởng cho người dân về việc xử lý người trộm cắp, cơ quan công an cần có biện pháp xử lý nghiêm các đối tượng trộm chó đã bắt được. Theo điều 138 Bộ luật hình sự, trường hợp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng nếu người trộm chó từng bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc từng bị xét xử về tội trộm cắp thì vẫn có thể bị xử lý hình sự. Vì thế, đối với những đối tượng có tiền án về tội trộm cắp, từng bị xử lý vi phạm hành chính vì trộm cắp thì cơ quan công an cần lập hồ sơ xử lý hình sự về tội trộm cắp đối với các đối tượng này. Những người chưa bị xử lý hình sự thì cần phải áp dụng mức xử phạt hành chính nghiêm khắc, lưu hồ sơ xử phạt để làm căn cứ chuyển xử lý hình sự nếu tái phạm.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cần tuyên truyền để các lò mổ chó có ý thức không mua lại chó bị đánh bả, bị trộm vì không chỉ chuyện thịt chó bị đánh bả có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng người ăn, mà việc mua chó bị trộm cũng là hành động tiếp tay cho băng nhóm trộm chó lộng hành. Hành vi của các chủ lò mổ chuyên mua lại chó do trộm cắp, đánh bả có dấu hiệu của tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Cơ quan công an cần tăng cường kiểm tra tại các lò mổ để sớm phát hiện băng nhóm trộm chó có tổ chức, đường dây tiêu thụ sản phẩm khi trộm cắp được, xử lý nghiêm một vài lò mổ để làm gương thì sẽ góp phần hạn chế những vụ trộm chó xảy ra.

* Luật sư TRỊNH NGỌC NINH (Công ty luật hợp danh Hoàng Gia thuộc Đoàn luật sư tỉnh Thanh Hóa):

Làm rõ hành vi để xử

Pháp luật Việt Nam đầy đủ chế tài để xử lý đối với loại tội phạm trộm chó. Vấn đề là để xử lý đúng người, đúng tội đối với kẻ trộm chó, trong khi thực thi pháp luật, cơ quan công an phải làm rõ hành vi, mức độ gây án, nhân thân của đối tượng này.

Nếu đối tượng trộm chó chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự, đã vi phạm hành chính nhiều lần, gây mất an ninh trật tự tại địa phương, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý về tội “trộm cắp tài sản” theo điều 138 Bộ luật hình sự, dù giá trị tài sản trộm cắp dưới 2 triệu đồng. Còn khi người dân đang dắt chó đi dạo, đi vệ sinh mà bị đối tượng trộm chó chạy xe máy ngang qua cướp giật con chó ngay trên tay chủ (tình huống này thường gặp ở các đô thị) rồi bỏ chạy thì có thể truy cứu đối tượng này vào tội “cướp tài sản” theo điều 133 Bộ luật hình sự. Khi đối tượng trộm chó dùng hành vi cướp giật con chó, có tổ chức, chuyên nghiệp, hành hung để tẩu thoát, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác thì có thể bị xử lý hình sự vào tội “cướp giật tài sản” theo điều 136 Bộ luật hình sự.

Hành vi trộm chó là đáng lên án, nhưng hành vi đánh chết kẻ trộm chó cần lên án hơn vì sẽ tạo tiền lệ xấu trong quần chúng nhân dân. Đối tượng trộm cắp, cướp giật chó họ vẫn có quyền sống và sẽ bị pháp luật xử lý. Vì vậy, khi bắt được kẻ trộm chó, người dân không nên a dua, hùa theo “đánh hội đồng” đối tượng này, nhằm tránh tình huống khi tham gia phòng chống tội phạm, chính người dân lại vi phạm pháp luật.

Theo C.MAI - HÀ ĐỒNG (TTO) ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm