TP.HCM: Sáu xe chữa cháy hiện đại nằm phơi sương

Ông Phạm Văn Thủy là một Việt kiều Mỹ. Khi về nước đầu tư, thấy nhiều đơn vị còn thiếu phương tiện phòng cháy chữa cháy (PCCC), ông đề nghị được tài trợ cho Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM, tỉnh Ninh Bình và Trường đại học PCCC sáu xe chữa cháy do Mỹ sản xuất đã qua sử dụng với chất lượng còn tốt và một số thiết bị chữa cháy khác.

Tấm lòng của một Việt kiều

Ngày 22-8-2008, sáu xe chữa cháy về đến cảng Lotus. Qua kiểm tra, ngày 26-8, giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM đã có báo cáo gửi UBND TP.HCM nhận định đây là loại xe có nhiều chức năng như thang trượt xoay 360 độ, có két nước, có máy bơm có thể hút nước và trực tiếp chữa cháy, cứu hộ. Chất lượng các xe này còn trên 80%, tốt hơn rất nhiều xe chữa cháy ở Việt Nam hiện nay. Một chiếc xe đa chức năng như vậy nếu mua mới phải tốn hàng chục tỷ đồng. Nhờ sự nhiệt tình của ông Thủy, các đơn vị chữa cháy, cứu hộ không phải tốn khoản chi phí lớn để mua những phương tiện này.

Ngoài ra, khi xe về đến cảng Lotus, ông Thủy còn thuê đoàn chuyên gia Mỹ gồm sáu người sang Việt Nam để hướng dẫn, huấn luyện cho cán bộ những đơn vị được nhận xe cách sử dụng và vận hành.

Tuy nhiên, do sáu xe nói trên đã qua sử dụng trên năm năm nên phải có chứng nhận chất lượng còn trên 80% của nơi xuất xứ mới được nhập về Việt Nam. Vì là Việt Kiều nên ông Thủy không hiểu rõ thủ tục. Nhưng trước khi đưa số xe về để tặng cho các đơn vị, ông Thủy đã có thư gửi chủ tịch UBND TP.HCM. Và UBND TP.HCM đã có Công văn số 2225 ngày 8-4-2008 trình Thủ tướng xem xét chấp thuận cho Sở Cảnh sát PCCC được tiếp nhận. Trong khi đang chờ ý kiến của Thủ tướng thì ông Thủy đã thuê tàu chở sáu xe này về đến Việt Nam.

Thủ tục quá khó khăn

Cho đến ngày 22-8, khi xe đã về đến cảng Lotus thì Cục Hải quan TP.HCM có công văn chưa cho xuất cảng số xe nói trên. Và hơn một tháng nay, sáu chiếc xe vẫn phải nằm chờ ở cảng. Chuyên gia Mỹ sang cũng buộc phải tập huấn cho các cán bộ Việt Nam ngay ở trong cảng Lotus.

Các đơn vị được tặng thì rất xót xa vì không được đem xe về bảo quản, phải để dầu dãi nắng mưa. Đã có sự mất mát xảy ra, khi Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM kiểm tra thì phát hiện bị mất một máy phát điện trị giá hàng chục ngàn USD. Hơn nữa, không như những phương tiện khác khi nhập về cần phải làm theo đúng lộ trình, thủ tục để tránh những tình trạng như gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường..., các xe thang chữa cháy mà ông Thủy tặng cho các đơn vị là phương tiện chuyên dụng, đặc chủng.

UBND TP.HCM tiếp tục gửi công văn đến các cơ quan chức năng và phía Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM cũng chạy đôn chạy đáo để xin được nhanh chóng nhận xe về. Mới đây, Vụ Tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính đã có biện pháp tháo gỡ, theo đó yêu cầu Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM hướng dẫn ông Phạm Văn Thủy làm đơn xác nhận chất lượng xe còn trên 80%. Từ đơn xác nhận đó, Vụ Tài chính đối ngoại sẽ có ý kiến để Cục Hải quan TP.HCM đồng ý cho xuất cảng.

Việc các cơ quan chức năng chậm hướng dẫn, giải quyết cho sáu xe chữa cháy được xuất cảng đã gây nhiều khó khăn cho các đơn vị, gây mất mát, hư hao cho các phương tiện, cũng như sự nhiệt tình của ông Phạm Văn Thủy đã bị giảm đi một phần ý nghĩa.

Chuyên gia Mỹ hướng dẫn cách vận hành, sử dụng xe chữa cháy cho các cán bộ Việt Nam ngay trong cảng Lotus.
Chuyên gia Mỹ hướng dẫn cách vận hành, sử dụng xe chữa cháy cho các cán bộ Việt Nam ngay trong cảng Lotus.

HOÀNG TUYẾT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm