TP.HCM: Đi kiện 14 năm chưa xong

TAND TP.HCM vừa tuyên hoãn xử sơ thẩm (lần năm) vụ hai ông Đặng Đạo và Võ Văn Vinh kiện Công an TP.HCM đòi bồi thường thiệt hại vì “giam xe oan”. Đây là một kỳ án đã kéo dài suốt 14 năm nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Giữ xe sai

Như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, tháng 2-1992, ông Đạo đại diện cho 10 chủ xe tải ký hợp đồng vận chuyển gỗ từ Campuchia về TP.HCM cho Công ty Vikamex (Bộ Thương mại). Trong một chuyến chở gỗ, một số xe tải đã đổ gỗ xuống Sông Bé theo lệnh riêng của vài cán bộ trong Vikamex. Ông Đạo báo lại sự việc cho Vikamex và rắc rối bắt đầu phát sinh.

Vikamex cho rằng ông Đạo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa nên yêu cầu Công an TP tạm giữ hai chiếc xe của ông Đạo, ông Vinh (không lập biên bản). Sau 19 tháng tạm giữ xe và điều tra không có kết quả, Công an TP đình chỉ vụ án, trả xe lại cho các khổ chủ.

Nhận hai chiếc xe trong tình trạng bị hư hỏng nặng, cho rằng Vikamex giữ xe trái phép gây thiệt hại nên ông Đạo, ông Vinh đã kiện Vikamex ra TAND quận 1 (TP.HCM) đòi bồi thường tổng cộng 359 triệu đồng.

Hủy lên hủy xuống

Năm 1995, TAND quận 1 xử sơ thẩm lần đầu, tuyên buộc Vikamex phải bồi thường cho hai chủ xe 196 triệu đồng. Xử phúc thẩm lần đầu, TAND TP đã tăng mức bồi thường lên gần 340 triệu đồng.

Bản án phúc thẩm này đã bị TAND tối cao hủy theo trình tự giám đốc thẩm vì cho rằng vụ việc không thuộc thẩm quyền của cấp huyện mà TAND quận 1 thụ lý là sai. Sau đó, TAND TP vào cuộc, xử sơ thẩm lần hai, cũng buộc Vikamex bồi thường nhưng rút bớt số tiền xuống còn hơn 140 triệu đồng. Năm 1998, xử phúc thẩm lần hai, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM lại hủy án vì cho rằng cấp sơ thẩm xác định sai tư cách bị đơn: Lẽ ra cấp sơ thẩm phải đưa Công an TP vào hầu kiện, còn Vikamex chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Xử sơ thẩm lần ba, TAND TP xác định Công an TP và Vikamex là đồng bị đơn vì cả hai có lỗi trong việc giữ xe nên buộc họ phải liên đới bồi thường cho hai chủ xe tổng cộng gần 500 triệu đồng. Phán quyết này tiếp tục bị hủy trong phiên phúc thẩm lần ba vì tòa sơ thẩm chưa tính đến việc trượt giá trong chuyện bồi thường.

Cuối năm 2005, TAND TP ra quyết định chuyển vụ án ra Quy Nhơn - nơi cư trú của hai ông này vì cho rằng đây là vụ “đòi bồi thường do bị oan trong tố tụng”. Sau khi có khiếu nại, TAND TP mới chịu giữ hồ sơ lại giải quyết. Năm 2007, tòa này xử sơ thẩm lần tư, chỉ buộc Công an TP bồi thường cho hai chủ xe hơn 26 triệu đồng để sửa hai chiếc xe bị hư, còn các thiệt hại khác thì tòa “miễn”.

Rồi trong phiên phúc thẩm lần thứ tư hồi tháng 8-2008, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM lại hủy án vì cấp sơ thẩm không tính đến khoản mất thu nhập từ hai chiếc xe trong thời gian chúng bị “giam oan”.

Lại hoãn vì tình tiết mới

Tại phiên sơ thẩm lần năm này, ông Vinh đã yêu cầu Vikamex và Công an TP bồi thường thiệt hại tổng cộng gần 500 triệu đồng. Cụ thể tiền bồi thường cho xe là hơn 14 triệu đồng, tiền ông mất thu nhập từ chiếc xe trong thời gian 19 tháng là hơn 166 triệu đồng, tiền trượt giá tính theo thời điểm là hơn 300 triệu đồng. Tương tự, ông Đạo (ủy quyền cho ông Vinh) cũng đòi bồi thường tương đương.

Phía Công an TP không đồng ý vì cho rằng mình không làm gì sai. Đại diện Vikamex thì phản tố, đòi hai nguyên đơn bồi thường ngược gần một tỷ đồng gồm tiền thiệt hại do làm mất 80 m3 gỗ và lãi suất ngân hàng.

Phía Vikamex còn cho rằng trong lần công ty bị thất thoát 80 m3 gỗ năm 1992 còn có thêm một chiếc xe tải khác cùng chở gỗ với hai xe của ông Vinh, ông Đạo. Hồ sơ vụ việc thể hiện cả biển số xe và tên tài xế nhưng sau đó chiếc xe cùng tài xế biến mất, không để lại bất cứ dấu vết nào.

Theo tòa, cần phải xác định ai là chủ chiếc xe tải thứ ba đã cùng ông Đạo, ông Vinh đổ 80 m3 gỗ trên để đưa vào tham gia tố tụng. Ngoài ra, vấn đề thiệt hại giữa các bên tham gia tố tụng cũng cần phải xem lại... Vì thế, cuối cùng tòa quyết định hoãn xử.

Tính từ lúc hai chủ xe bắt đầu đi khiếu nại, khiếu kiện đòi xe, đòi bồi thường đến nay đã 18 năm, trong đó thời gian theo hầu tòa là 14 năm ròng. Một phần tư đời người đã trôi qua mà vụ kiện vẫn đang dang dở vì các cấp tòa “chỏi” nhau. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin diễn biến của kỳ án này.

Đi kiện từ lúc tóc còn xanh

Khi bắt đầu khiếu kiện, ông Vinh mới xấp xỉ 40, bây giờ ông đã sắp 60 tuổi. Nhưng ông Vinh vẫn còn có sức khỏe để đi lại chứ ông Đạo hiện đã ngoài 70, ốm yếu, phải ủy quyền cho ông Vinh theo hầu tòa.

Mỗi lần tòa xử, ông Vinh phải di chuyển cả hơn 600 km từ Quy Nhơn vào TP hầu kiện. “Chúng tôi mệt mỏi lắm rồi, không biết bao giờ vụ án mới kết thúc nhưng chúng tôi sẽ quyết theo kiện tới cùng để tìm lẽ phải” - ông Vinh cương quyết.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm