TP Hồ Chí Minh: Tăng cường kiểm soát trợ giá xe buýt

Chiều qua (8-10), Sở GTVT đã thông tin tới báo giới về cơ chế, trình tự, thủ tục trợ giá cho xe buýt. Theo ông Đặng Thế Trung, Chánh văn phòng Sở GTVT, cơ chế này nhằm tăng cường kiểm soát việc trợ giá, bảo đảm doanh thu, thu nhập cho các doanh nghiệp vận tải (DNVT), chủ xe và loại trừ các hành vi phân biệt đối xử với hành khách đi vé tháng, người khuyết tật được miễn vé...

Sẽ thay mẫu vé tháng

Vấn đề được các báo quan tâm nhiều là vé tháng và cách xử sự với người khuyết tật được miễn vé. Theo ông Đặng Thế Trung, hiện hàng tháng có khoảng 58.000 hành khách sử dụng vé tháng. Đây là lượng hành khách tiềm năng và ổn định của xe buýt. “Nhà nước đã “mua đứt” từng chuyến xe buýt thông qua chính sách trợ giá (chuyến xe dù ít khách, ít người đi vé tập, vé lượt và nhiều người đi vé tháng, người khuyết tật miễn vé thì cũng đều được nhận đủ số tiền trợ giá) nên lái xe, tiếp viên không thể nại bất cứ lý do nào để phân biệt đối xử với hai dạng hành khách này!” - ông Trung nói. Còn ông Phạm Đình Đức, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, cho biết tiếp viên, lái xe nào phân biệt đối xử với người đi vé tháng, người khuyết tật sẽ bị kỷ luật, cao nhất là buộc thôi việc.

Theo ông Trung, tới đây Sở GTVT sẽ thay đổi mẫu loại vé này và trên từng vé bán ra có in hẳn mã số tuyến xe buýt. Việc này sẽ giúp cho các DNVT có tuyến biết trước số hành khách sẽ đi vé tháng và nắm được số tiền mình sẽ được trợ giá. Từ đó, việc phân biệt đối xử với người đi vé tháng sẽ được hạn chế.

Rút ngắn thời gian “rót” tiền cho xe buýt

Theo ông Phạm Đình Đức, hàng tháng từ ngày 1 đến ngày 5, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng tạm ứng trước 50% số tiền trợ giá để cho DNVT hoạt động bình thường trong tháng đó. Đồng thời trong tám ngày làm việc đầu tiên của tháng, trung tâm sẽ thẩm định hồ sơ của DNVT gửi lên để thanh, quyết toán phần tiền trợ giá còn lại của tháng trước.

Trả lời Báo Pháp Luật TP.HCM về việc trung tâm có kiểm soát được việc tiền về đến hợp tác xã xe buýt (HTX) bao nhiêu ngày thì được thanh toán đến từng xã viên, chủ xe kịp thời. Ông Đức khẳng định trung tâm đã hướng dẫn, buộc các HTX khi tiền về là phải dán thông báo cho xã viên, chủ xe đến nhận ngay. Theo ông Đức, các công chức thuộc trung tâm khi làm thủ tục thanh, quyết toán tiền trợ giá sẽ bị xử lý nghiêm khi có các hành vi sai phạm, làm khó DNVT. Đó là các hành vi không làm biên bản ghi nhận kết quả đối chiếu số liệu giữa trung tâm và DNVT, làm sai lệch hồ sơ; không thông báo yêu cầu điều chỉnh số liệu làm DNVT phải đi lại nhiều lần; không tiếp nhân viên của DNVT theo đúng lịch...

L.ĐỨC - H.TUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm