Tổng hợp ý kiến góp ý sửa đổi BLTTHS: Thực thi nghiêm, hoàn thiện tiếp

LTS: Trên 11 kỳ báo liên tiếp bắt đầu từ ngày 23-2, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh nhiều góp ý sửa đổi BLTTHS năm 2003. Tổng hợp loạt ghi nhận này, chúng tôi mong rằng những ý kiến tâm huyết của các chuyên gia pháp luật sẽ được ban soạn thảo dự luật xem xét để góp phần hoàn thiện các quy định tố tụng hình sự trong thời gian tới.

Ngày 11-2 vừa qua, Ban soạn thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) sửa đổi với sự chủ trì của VKSND tối cao đã tổng kết năm năm thi hành BLTTHS năm 2003. Nhận định chung là bên cạnh những mặt tích cực của BLTTHS hiện hành, vẫn còn nhiều bất cập, thiếu thực tế, không khả thi. Gần một nửa BLTTHS có vướng mắc, cần được hoàn thiện để đạt tới mục tiêu tăng cường tính dân chủ, bảo đảm quyền con người trong hoạt động tư pháp, vừa giúp cho hoạt động tố tụng tốt hơn vừa nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm.

Một tuần sau, cuộc hội thảo do TAND tối cao phối hợp với Cơ quan hợp tác Nhật Bản tổ chức ngày 20-2 cũng đã chỉ ra hơn 40 tình huống, trường hợp vướng mắc thường xuyên trong quá trình thực hiện BLTTHS, dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất...

Từ thực tế này, Pháp Luật TP.HCM đã tổ chức trao đổi nhằm thu thập thêm tiếng nói các giới chuyên gia trong lĩnh vực tố tụng hình sự để góp phần làm sáng tỏ nhận định trên. Nội dung thảo luận liên quan đến các vấn đề nổi cộm như việc mở rộng quyền bào chữa để bảo đảm thực thi nguyên tắc tranh tụng, việc áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, mối quan hệ giữa các cơ quan tư pháp, việc xét xử của tòa...

Sẵn quy định tiến bộ nhưng chưa thực thi nghiêm

Không phủ nhận tính bất cập của BLTTHS năm 2003 nhưng TS Lê Thành Dương, Viện trưởng Viện phúc thẩm VKSND tối cao tại TP.HCM, vẫn cho rằng hiện nay pháp luật hiện hành đã có sẵn những chế định tiến bộ nhưng chưa được áp dụng nghiêm túc, đầy đủ.

Theo ông Dương, hiện BLTTHS và các luật khác đã quy định luật sư được tham gia bào chữa từ lúc bị can bị khởi tố, tạm giam; đối với bị can chưa thành niên khi hỏi cung phải có luật sư tham gia; nguyên tắc tranh tụng bình đẳng giữa VKS với luật sư và giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với nhau, quyền bảo vệ của nhân chứng, thủ tục xét xử rút gọn... nhưng trong thực tế vì nhiều lý do, vì thiếu quyết tâm nên pháp luật chưa được thực thi nghiêm túc. Vì thế, ông Lê Thành Dương cho rằng “không cần đợi sửa đổi BLTTHS, chỉ cần một văn bản hướng dẫn dưới luật là có thể vận dụng các quy định tiến bộ sẵn có và từ đó việc tố tụng cũng có chuyển biến sâu sắc”.

Bàn về việc hoàn thiện BLTTHS năm 2003, TS Lê Thị Thu Thủy (giảng viên khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng có ý kiến tương tự: “BLTTHS thật ra cũng không đến nỗi “tồi” như thực tế chúng ta tưởng. Những vướng mắc trong thực tế thì các quy định đều đã có mà các nơi chưa thực hiện đến nơi đến chốn”. Và nói như ông Đinh Văn Quế, Chánh Tòa hình sự TAND tối cao: “Muốn thể hiện dân chủ, tranh tụng tại tòa thì hãy làm theo đúng BLTTHS và các văn bản pháp luật liên quan. Vậy là phiên tòa đã tuyệt vời lắm rồi”...

Tranh tụng phải ghi thành nguyên tắc

Bảo đảm nguyên tắc tranh tụng là cơ sở bảo đảm dân chủ hóa quá trình tố tụng. Các chuyên gia tham gia ý kiến đều đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Làm sao bảo đảm cho được việc tranh tụng bình đẳng ngay từ giai đoạn điều tra, nhất là phát huy vai trò của người bào chữa trong toàn bộ quá trình tố tụng.

LS-TS Phan Trung Hoài nêu yêu cầu minh thị trong BLTTHS: “Chỉ khi có mặt luật sư hoặc nghi can từ chối luật sư thì điều tra viên mới được phép lấy lời khai của họ”. Còn trong giai đoạn xét xử, theo PGS-TS Nguyễn Thái Phúc: “Điều cần thiết là phải ghi nhận tranh tụng là một nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự Việt Nam”; “Tòa không tham gia xét hỏi mà chỉ điều khiển quá trình xét hỏi. Tòa phải giữ vai trò trọng tài vô tư, khách quan, điều khiển tranh tụng và phán quyết trên cơ sở kết quả tranh tụng”.

Đồng quan điểm trên, theo TS Lê Tiến Châu (giảng viên Đại học Luật TP.HCM) thì “không nên giao cho tòa quyền khởi tố vụ án; quyền trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; xét hỏi chính tại phiên xử”. Về việc này, chính ông Bùi Hoàng Danh, Chánh án TAND TP.HCM, cũng nêu ý kiến: “Không nên giao cho tòa quyền khởi tố vụ án ngay tại phiên xử”.

Quy định càng chi tiết càng tốt

Cái khó hiện nay khiến các nguyên tắc tố tụng không được thực hiện đầy đủ là bởi đi vào từng việc thì chưa có quy định cụ thể. Luật chưa đủ sức ràng buộc các cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng, chưa bảo đảm thực hiện đúng mức quyền của người tham gia tố tụng, nhất là bị can, bị cáo, luật sư. Theo PGS-TS Phạm Hồng Hải: “Quy định càng chi tiết càng tốt để cơ quan tố tụng không thể thoái thác được”; “hiện nay BLTTHS quy định tương đối chi tiết về quyền năng tố tụng của cơ quan tố tụng, cán bộ tố tụng nhưng lại quá sơ sài, không cụ thể về trách nhiệm của họ”.

TS Chu Hải Thanh, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp, đề nghị trong BLTTHS sữa đổi cần có những quy định thể hiện sự quan tâm hơn đối với phía người bị hại, nhất là với người chưa thành niên, người bị khuyết tật hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khác...

Chánh tòa Hình sự TAND tối cao Đinh Văn Quế cũng có nhiều phát biểu theo hướng cần tiếp tục hoàn thiện BLTTHS vì riêng phần xét xử đã có khoảng 40 bất cập, vướng mắc. Ông Quế đặc biệt quan tâm những việc liên quan đến công tác xét xử của tòa, từ sơ thẩm đến phúc thẩm, giám đốc thẩm, về thời gian xét xử... Nhưng với kinh nghiệm ở cương vị nhiều năm phụ trách lĩnh vực hình sự của TAND tối cao, ông Quế lại khẳng định không thể quy định nguyên tắc tranh tụng trong BLTTHS: “Chừng nào nước ta còn theo hệ thống pháp luật thành văn thì chừng đó không thể quy định nguyên tắc tranh tụng được”...

Xuất phát từ lĩnh vực công tác chuyên môn của mỗi người, tất cả đều mong muốn BLTTHS sớm được hoàn thiện. Có luật rồi thì phải thực hiện các quy định nghiêm túc để nước ta có một nền tố tụng tiến bộ, bảo đảm công bằng, dân chủ, văn minh, không để lọt người phạm tội cũng như không làm oan người vô tội.

Th.S Đinh Văn Quế (Chánh Tòa hình sự TAND tối cao): Luật nên quy định phải ghi âm diễn biến phiên tòa (cùng sự ghi chép của thư ký phiên tòa) vì thư ký dù ghi nhanh đến mấy cũng không thể ghi hết mọi diễn biến.

TS Lê Thành Dương (Viện trưởng Viện phúc thẩm VKSND tối cao tại TP.HCM): Phải phân định trước mô hình tố tụng và các mối quan hệ giữa các cơ quan tố tụng thì BLTTHS mới có thể “sống lâu” được.

Thẩm phán Bùi Hoàng Danh (Chánh án TAND TP.HCM): Tại tòa chỉ có tranh luận chứ chưa có tranh tụng nên tòa phải “tạm làm thay” việc của VKS và luật sư là xét hỏi nhiều. Chúng ta phải xây dựng lại một bộ luật tiến bộ hơn để có một phiên tòa tranh tụng thật sự.

TS Chu Hải Thanh (Phó Giám đốc Học viện Tư pháp): Quan điểm cho rằng cần mở rộng hơn sự tham gia của những người khác luật sư vào hoạt động bào chữa là không phù hợp với xu hướng chính quy hóa, chuyên nghiệp hóa hoạt động bào chữa mà chúng ta đang hướng tới.

PGS-TS Nguyễn Thái Phúc: Phải ghi nhận tranh tụng là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự Việt Nam và tăng cường tính tranh tụng của phiên tòa sơ thẩm, coi đây là khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị.

LS-TS Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư TP.HCM): Nên quy định đưa vào hồ sơ toàn bộ chứng cứ mà công an và luật sư thu thập, tránh tình trạng bỏ sót những chứng cứ có lợi cho việc chứng minh nghi can vô tội.

LS-TS Phạm Hồng Hải (Đoàn luật sư TP Hà Nội): Vướng mắc hiện nay là cơ chế để thực thi những quy định của BLTTHS năm 2003. Do vậy, định hướng đầu tiên khi sửa luật là càng chi tiết càng tốt để các cơ quan tố tụng không thể thoái thác trách nhiệm.

TS Lê Thị Thu Thủy (Đại học Quốc gia Hà Nội): Nên có quy định về thủ tục tố tụng rút gọn đối với các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, sở hữu trí tuệ, ngân hàng như một số nước để bảo vệ kịp thời quyền lợi của nhà nước, của các tổ chức, cá nhân tham gia những thị trường đặc biệt nhạy cảm này.

TS Lê Tiến Châu (Đại học Luật TP.HCM): Sửa quy định về chức năng xét xử theo hướng tòa là hạt nhân của các cơ quan tư pháp, độc lập với bên buộc tội và bên bào chữa.

LS PHAN ĐĂNG THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm