Tội phạm ma túy rộ lên trong dịch COVID-19

Theo Cục Hải quan TP.HCM, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lực lượng chức năng kiểm soát chặt các chuyến bay thương mại xuất nhập cảnh nên tội phạm ma túy hoạt động trên tuyến đường hàng không (hành khách) đã tạm lắng. Tuy nhiên, tình hình tội phạm ma túy xuyên quốc gia trên tuyến đường biển, bưu chính quốc tế và chuyển phát nhanh có nhiều diễn biến phức tạp.

Hôm 12-1, hải quan phối hợp với Công an TP.HCM khám xét 16 kiện hàng nhập khẩu vào Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh, bưu chính từ nước ngoài, thu giữ 31.236,4 g ma túy các loại. Ảnh: NT

Nhiều phương thức tinh vi, liều lĩnh

“Nguồn ma túy vẫn chủ yếu từ nước ngoài, đặc biệt là từ khu vực Tam giác vàng, được mua bán, vận chuyển trái phép qua các tuyến biên giới đường bộ về Việt Nam để tiêu thụ một phần và tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba” - một cán bộ hải quan nhận định.

Tại các cửa khẩu, tình hình vận chuyển trái phép ma túy cũng diễn biến phức tạp, khó lường. Tội phạm ma túy trong và ngoài nước đã câu kết chặt chẽ với nhau, hình thành đường dây, tổ chức xuyên quốc gia, phương thức che giấu nhân thân và ngụy trang tinh vi, hoạt động vận chuyển ngày càng manh động, mang tính liều lĩnh, nghiêm trọng.

Tuyến đường biển tiếp tục bị các đối tượng phạm tội lợi dụng để mua bán, vận chuyển ma túy với khối lượng lớn từ nước ngoài về Việt Nam và từ Việt Nam đi nước thứ ba. Đây là tuyến tiềm ẩn nhiều nguy cơ tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động mạnh, do phạm vi rộng và hết sức khó khăn trong việc kiểm soát, đòi hỏi cần phải đầu tư phương tiện và công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng.

Từ đầu năm 2020 đến nay, tội phạm vận chuyển ma túy tổng hợp số lượng lớn từ Lào, Campuchia, xâm nhập qua các cửa khẩu đường bộ chuyển về TP.HCM rồi tập kết xuất qua nước thứ ba bằng đường biển.

“Hiện nay việc mua bán và gửi hàng qua mạng rất dễ dàng. Ma túy mua bán không trả tiền trước, các đối tượng có thể theo dõi được thời gian vận chuyển cũng như thời gian thông quan kiện hàng đã gửi. Nếu thấy hàng về đến TP.HCM nhưng quá thời gian mà chưa được thông quan thì sẽ bỏ hàng. Đây là vấn đề khó khăn cho các lực lượng trong việc tổ chức bắt quả tang, xử lý theo pháp luật đối với tội phạm ma túy” - đại diện Cục Hải quan TP.HCM nói.

Riêng trên tuyến cảng biển, các tổ chức tội phạm lựa chọn các doanh nghiệp chưa từng vi phạm pháp luật về hải quan để ủy thác xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Chúng thành lập doanh nghiệp bình phong xuất khẩu hàng hóa có đầy đủ các giấy phép xuất khẩu.

Theo đó, ma túy được tội phạm ngụy trang tinh vi trong các container hàng nguyên liệu sản xuất, hàng xuất khẩu (hàng cất giấu trong các khối đá granite, nhựa phế liệu, ván ép, hàng đông lạnh). Đặc biệt là đã phát hiện tội phạm ma túy sử dụng tuyến đường mới (Việt Nam đi Hàn Quốc) để vận chuyển ma túy.

Ma túy được cất giấu tinh vi trong các kiện hàng chuyển phát nhanh,
thực phẩm… Ảnh: NT

Phát hiện 16 vụ trong tháng đầu năm mới

Cục Hải quan TP.HCM cho biết chỉ riêng tháng 1-2021, đã phát hiện 16 vụ vận chuyển trái phép các chất ma túy từ nước ngoài xâm nhập qua các cửa khẩu đường bộ vận chuyển về TP.HCM.

Trong năm 2020, Cục Hải quan TP.HCM đã chủ trì và phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 39 vụ, thu giữ hơn 51 kg ma túy các loại và phối hợp với lực lượng liên quan khám xét một container, thu giữ khoảng 40 kg ma túy tổng hợp giấu trong các khối đá granite chuẩn bị xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Vào tháng 6-2020, Hải quan TP.HCM nắm được thông tin các đối tượng trong đường dây ma túy xuyên quốc gia tại Đức, Pháp và một số nước khác có kế hoạch đưa số lượng lớn ma túy vào Việt Nam thông qua dịch vụ bưu chính quốc tế và chuyển phát nhanh dưới dạng quà biếu phi mậu dịch, đặc biệt là loại ma túy tổng hợp MDMA dạng viên nén.

Để xóa dấu vết, thành viên trong đường dây sẽ thường xuyên thay đổi địa chỉ người gửi tại nước ngoài và người nhận ở Việt Nam; thông tin đơn giản, không có thật với mục đích xóa dấu vết, sau đó thuê người đứng ra nhận hàng để trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật nếu bị nhà chức trách phát hiện.

Tuy nhiên, qua xác minh, toàn bộ tên người nhận ghi trên vận đơn của các kiện hàng đều không có thật, hoặc có địa chỉ nhưng không có tên thường trú, tạm trú tại địa phương, các số điện thoại ghi trên kiện hàng đều sử dụng SIM rác…

Hải quan đã phối hợp với Trung tâm khai thác bưu chính quốc tế và công ty chuyển phát nhanh gửi thư mời đến địa chỉ người nhận yêu cầu đến làm thủ tục nhận hàng, tuy nhiên quá ba lần nhưng các đối tượng đều không liên hệ hoặc không đến nhận hàng.

Cục Hải quan TP.HCM đã khám xét tổng cộng 25 kiện hàng, phát hiện và thu giữ tổng cộng khoảng 51,661 kg ma túy các loại. Thành tích này đã được UBND TP.HCM trao tặng bằng khen và cục trưởng Cục Hải quan tặng giấy khen.

Tội phạm lợi dụng kẽ hở chính sách

Theo Cục Hải quan TP.HCM, tội phạm ma túy thường nghiên cứu kẽ hở của cơ chế, chính sách thông thoáng của Nhà nước về quản lý xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh để thực hiện hành vi phạm tội. Trong khi đó, lực lượng hải quan phải chịu áp lực tạo thông thoáng cho doanh nghiệp, hành khách trong thủ tục hải quan.

Trong khi đó, chưa có quy định pháp luật về biện pháp giao hàng có kiểm soát để bắt quả tang đối tượng giao nhận ma túy, nhất là các lô hàng quà biếu có địa chỉ người nhận tại các tỉnh ngoài TP.HCM.

Các đối tượng tội phạm thường ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa có chứa ma túy cho các dịch vụ giao nhận hàng, chuyển phát nhanh, logistics… bằng nhiều công đoạn, thực hiện online che giấu nhân thân nên khó có thể xác định và bắt giữ kẻ chủ mưu, cầm đầu khi phát hiện hàng hóa có chứa ma túy… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm