Tòa thiếu người phiên dịch

Theo quy định, tòa hoặc đương sự mời người phiên dịch nhưng rất nhiều lần tòa đã khuyến cáo với khách hàng của văn phòng là nên chủ động tìm người phiên dịch chứ tòa mời thì rất khó. Theo luật sư Liễu, hiện người giỏi ngoại ngữ không thiếu nhưng khi đặt vấn đề mời phiên dịch trước tòa thì họ đều lắc đầu bởi họ không biết, không có kinh nghiệm phiên dịch trong lĩnh vực tố tụng nên e ngại. Do vậy, nhiều vụ khách hàng phải chạy vạy mấy tháng trời mà vẫn chưa thể tìm ra người phiên dịch.

Luật sư Liễu nêu một thực tế là khi không thể mời phiên dịch thì đã có nhiều vụ luật sư đứng ra đảm nhiệm luôn. Theo quy định, luật sư không được tham gia tố tụng với hai tư cách (vừa bảo vệ quyền lợi, bào chữa vừa là người phiên dịch). Dù vậy, tòa vẫn chấp nhận cho qua bởi nếu không sẽ không xử được. Lúc này, công việc của luật sư vô cùng căng thẳng do phải đảm nhiệm hai trọng trách cùng lúc.

Một luật sư khác kể, ông từng tham gia một vụ tranh chấp tài sản giữa hai vợ chồng. Do người chồng là người Hàn Quốc nên tòa phải quay sang nhờ người vợ phiên dịch. Đáng nói là sau đó, có nhiều lúc tòa hỏi người chồng thì người vợ đã đứng ra trả lời thay luôn, khỏi phiên dịch, khỏi qua ý kiến người chồng.

Một thẩm phán TAND tối cao thừa nhận tình trạng thiếu người phiên dịch và cho biết ngành tòa án cũng rất đau đầu bởi không biết tìm đâu ra, nhất là đối với những ngôn ngữ không phổ biến. Đó là chưa kể khi đã tìm được người phiên dịch rồi thì không phải người nào cũng làm tốt. Đã có những người chuyển ý sai, không đủ ý, bị đương sự “bắt giò”.

Nhiều chuyên gia cho rằng phải quay lại tận gốc vấn đề là đào tạo người phiên dịch trong lĩnh vực tố tụng. Tuy nhiên, hiện công tác đào tạo này còn đang bỏ ngỏ.

HỒ KHẢI HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm