Thụ lý, hòa giải thành trong một ngày

Ngày 11-9-2007, ông Võ Đình Châu đã khởi kiện ra TAND quận 2 (TP.HCM) yêu cầu hủy hợp đồng mua nhà với bà Nguyễn Thị Lang, buộc bà này trả lại 1,4 tỷ đồng tiền nhà ông đã giao và bồi thường 500 triệu đồng tiền thiệt hại. Đồng thời, ông cũng yêu cầu bà trả một khoản nợ khác hơn bốn tỷ đồng gồm cả gốc lẫn lãi.

Giải quyết nhanh chóng

Ngay trong ngày nhận đơn (ngày 11-9), Tòa quận 2 đã mời ông Châu ngồi lại để lấy lời khai về vụ việc. Đồng thời, tòa cũng công nhận luôn tư cách nguyên đơn của người đi kiện. Sáu ngày sau, tòa ra thông báo phiên hòa giải giữa ông Châu và bà Lang sẽ bắt đầu vào chiều ngày 19-9.

Đúng ngày hòa giải, Tòa quận 2 tiến hành cùng lúc hai thủ tục là thụ lý vụ án và mở phiên hòa giải. Cuối buổi chiều cùng ngày, thẩm phán thụ lý, giải quyết đã hoàn tất biên bản hòa giải thành giữa hai đương sự. Theo đó, bà Lang đồng ý trả hơn sáu tỷ đồng mà ông Châu đòi. Một tuần sau, Tòa quận 2 ra quyết định công nhận hòa giải thành.

Khiếu nại do vi phạm

Vụ việc sau đó được chuyển cho cơ quan Thi hành án quận 2 thi hành. Lúc này, ông H. - một chủ nợ khác của bà Lang phát hiện ra quyền lợi của mình bị xâm phạm nên đã khiếu nại. Ông cho biết căn nhà mà bà Lang và ông Châu tranh chấp đang bị Tòa quận 2 phong tỏa nhằm đảm bảo việc thi hành án cho ông (bà Lang nợ ông trên hai tỷ đồng). Thế nhưng đến vụ ông Châu, tòa đã cho phép ông Châu quản lý nhà của bà Lang cho đến khi bà Lang hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho ông Châu. Như vậy, hóa ra tòa đã vi phạm quyết định phong tỏa nhà trước đó khiến cho việc thi hành án của ông bị đình trệ, ách tắc.

Mặt khác, ông H. cho biết theo quy định, khi có vụ kiện xảy ra thì thời gian phân công thẩm phán giải quyết án là trong vòng ba ngày. Thêm ba ngày nữa để tòa ra thông báo việc thụ lý vụ án, rồi lại thêm 15 ngày nữa để bị đơn có ý kiến và cung cấp chứng cứ, tài liệu trước yêu cầu kiện tụng của nguyên đơn. Tiếp đó, để có thể tiến hành việc hòa giải, thẩm phán phải lấy lời khai của nguyên đơn, lời khai của bị đơn, sau đó lên lịch để ra thông báo về phiên hòa giải. Nếu các đương sự tự thỏa thuận được với nhau thì thẩm phán lập biên bản hòa giải thành. Tổng thời gian để thẩm phán có thể tiến hành và hoàn tất những công việc nói trên tối thiểu cũng phải mất gần một tháng. Trong vụ án này, ngày thụ lý vụ án cũng là ngày thẩm phán lập biên bản hòa giải thành. Làm như vậy là... có vấn đề!

Hủy án vì làm ẩu

Nhận khiếu nại và kiểm tra lại quy trình giải quyết án, TAND TP.HCM đã phát hiện ra sự vi phạm. Theo tòa này, việc Tòa quận 2 lấy lời khai của ông Châu, xác định ông là nguyên đơn và ra thông báo về phiên hòa giải khi chưa thụ lý vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Mặt khác, ngày 19-9, Tòa quận 2 mới thụ lý vụ án nhưng trong hồ sơ không có thông báo thụ lý cho các đương sự và VKS cùng cấp biết cũng là sai. Do vậy, ngày 13-3-2008, TAND TP.HCM đã kháng nghị đề, nghị ủy ban thẩm phán của Tòa thành phố xét xử giám đốc thẩm, hủy quyết định hòa giải thành giữa ông Châu và bà Lang của Tòa quận 2 để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm. Đồng thời, Tòa thành phố yêu cầu phải tạm ngưng thi hành án cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.

Mới đây, xử giám đốc thẩm, Tòa thành phố đã quyết định hủy quyết định hòa giải thành trên, giao hồ sơ cho TAND quận 2 giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm. Quyết định giám đốc thẩm nhận định khi nhận đơn, tòa cấp sơ thẩm đã lấy lời khai và xác định ngay tư cách nguyên đơn của người khởi kiện là đã giải quyết vụ án trước khi thụ lý. Làm như vậy là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Đồng thời, thụ lý xong lại không gửi thông báo thụ lý vụ án cho bị đơn, VKSND cùng cấp cũng là phạm luật.

Ngoài ra, quyết định giám đốc thẩm cũng cho rằng cách xử lý về căn nhà là không hợp lý khiến không có khả năng thi hành án. Bởi căn nhà đang bị Tòa quận 2 áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa một phần để đảm bảo thi hành án trong vụ án của ông H. nhưng tòa lại giao cho ông Châu quản lý... Một vấn đề nữa là khi giải quyết vụ này, tòa phải mời ông H. tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng trước đó, Tòa quận 2 đã không làm như vậy.

Sắp tới đây, TAND quận 2 sẽ giải quyết lại vụ án này. Chúng tôi sẽ theo dõi, thông tin đến bạn đọc.

Một điều khá trùng hợp là thời điểm ông Châu kiện đòi bà Lang trả nợ thì không ít đương sự khác cũng kiện bà Lang, buộc bà phải trả nợ cho mình. Các vụ kiện này cũng được Tòa quận 2 giải quyết nhanh chóng.

Vụ một: Bà D. kiện đòi bà Lang trả 320 triệu đồng. Tòa thụ lý ngày 7-9-2007 thì chỉ ba ngày sau (ngày 10-9), tòa mời hai bên đến và hòa giải thành. Theo đó, bà Lang đồng ý trả nợ.

Vụ hai: Ông D. kiện đòi bà Lang trả trên 240 triệu đồng tiền nợ. Ngày 7-9-2007, tòa thụ lý thì cũng ba ngày sau (ngày 10-9), tòa hòa giải thành, bà Lang đồng ý trả nợ.

Vụ ba: Bà H. kiện đòi bà Lang trả 200 triệu đồng. Tòa thụ lý ngày 1-10-2007, hòa giải thành ngày 16-10 (mất hai tuần), bà Lang đồng ý trả nợ.

Vụ bốn: Bà T. buộc bà Lang trả một tỷ đồng tiền nợ. Tòa thụ lý ngày 15-10 và hòa giải thành ngày 22-10 (chỉ mất một tuần), bà Lang đồng ý trả nợ.

PHAN GIA HI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm