Thủ đoạn mới của tội phạm ‘tín dụng đen’

Ngày 5-1, nguồn tin của PLO cho hay UBND tỉnh Hậu Giang vừa có Báo cáo gửi Bộ Công an về kết quả phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” năm 2020 trên địa bàn tỉnh.

Theo Báo cáo, năm qua Công an tỉnh đã khởi tố bốn vụ, 12 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Công an kiểm tra Công ty TNHH dịch vụ tư vấn, đầu tư Đại Dương có biểu hiện liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng, tín dụng đen. Ảnh: CAHG

Cụ thể, Công an đã khởi tố năm bị can tại Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ Thịnh Tín Phát, Chi nhánh TP Vị Thanh có trụ sở tại đường Trưng Trắc. Giám đốc công ty này là ông Nguyên Gia Định (SN 1981, ngụ quận Gò Vấp, TP HCM).

Kết quả điều tra, các bị can đã cho 262 người trên địa bàn Hậu Giang và các tỉnh lân cận vay với với tổng số tiền hơn 4,5 tỉ đồng. Qua đó, thu lợi bất chính số tiền trên 1,9 tỉ đồng. Hiện Công an tỉnh đã chuyển Viện Kiểm sát cùng cấp đề nghị truy tố.

Công an cũng đã khởi tố năm bị can tại Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn đầu tư Đại Dương (trụ sở tại phường Ngã Bảy, TP Ngã Bảy), Giám đốc là ông Đỗ Tiến Sỹ (SN 1989, ngụ tỉnh Thái Nguyên). Theo hồ sơ, cơ quan chức năng xác định công ty nay có hoạt động cho vay từ tháng 10-2017 đến tháng 8-2020.

Công an xác định nhóm này đã cho 333 người vay với với tổng số tiền trên 6,6 tỉ đồng, thu lợi bất chính hơn 3 tỉ đồng. Hiện Công an tỉnh đã chuyển Viện Kiểm sát tỉnh đề nghị truy tố.

Công an tỉnh Hậu Giang cũng đã truy tố ông Trần Văn Thức (SN 1998, ngụ tỉnh Ninh Bình). Qua điều tra, Công an xác định từ tháng 4-2019 đến tháng 6-2019, Thức đã cho 48 người vay với với tổng số tiền cho vay là 90 triệu đồng, thu lợi bất chính hơn 54 triệu đồng.

Công an tỉnh cũng đã khởi tố và đang điều tra ông Nguyễn Quang Đại (SN 1986, ngụ tỉnh Hà Nam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Ngân Tín Vị Thanh, Chi nhánh Ngã Bảy) về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Bên cạnh các vụ đã khởi tố, Công an cũng đã xử phạt hành chính năm vụ khác với 11 người liên quan.

Qua rà soát, lực lượng chức năng phát hiện có bảy cơ sở, với khoảng 44 60 người có biểu hiện liên quan đến “tín dụng đen”.

 

Sử dụng công nghệ cao để cho vay

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, năm 2020, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh có chiều hướng lắng, số người có biểu hiện nghi vấn hoạt động “tín dụng đen” giảm so với năm 2019. Đáng chú ý là xuất hiện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi cho vay lãi nặng.

Cụ thể, bên cho vay yêu cầu người cần vay tiền tải và cài đặt phần mềm ứng dụng cho vay tiền trực tuyến trên điện thoại di động. Khi con nợ không có khả năng trả hoặc trả tiền chậm thì các đối tượng gọi điện, nhắn tin uy hiếp, đe dọa, khủng bố tinh thần người vay và người thân của họ.

Theo Công an, đa số các đối tượng cho vay là người ngoài tỉnh, như: Hà Nội, Hài Phòng, Bắc Ninh, Sóc Trăng,.... câu kết với một số đối tượng trong tỉnh cho vay ở nhiều địa phương. Các đối tượng thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động và hạn chế lưu trú trên địa bàn tỉnh nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.

Những người vay tiền chủ yếu là các tiểu thương, người không có việc làm ổn định,… ít hiểu biết về pháp luật nên rất dễ bị lừa gạt vào bẫy “tín dụng đen”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm