'Thần dược' nơi biên giới

Đường vào Cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) nồng nặc mùi thuốc bắc. Những chiếc xe tải chất đầy đông dược xếp thành hàng dài đang chờ được thông quan. Cạnh đó, từng đoàn người kẻ gánh, người gồng đi qua chiếc barie bằng tre về hướng Việt Nam.

Tuy vậy, sáng chưa đông vui bằng tối, bởi là buổi tối dân “đai hàng” đi bằng con đường khác, hiểm trở và phi chính thống hơn, mang theo từng tấn dược liệu như sâm, linh chi, tam thất, thậm chí cả đông trùng hạ thảo… về nội địa tiêu thụ.

Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu gần đây người ta không lên tiếng về “chất lượng kinh hoàng” của những loại thuốc này.

Người phụ nữ dân tộc Tày, gầy đen có tên Chu Thị Hậu, ở bản Khoai chuyên nhận gánh hàng thuê qua biên giới. Chị Hậu cho biết: “Mỗi gánh hàng qua bên kia chị lấy 15 ngàn đồng. Chẳng cần giấy tờ gì sất, cứ đăng ký tên chủ hàng với biên phòng, chị đi qua đó nói tên chủ hàng là qua được ngay mà”. “Thế không ai kiểm tra chất lượng hả chị?”, chúng tôi hỏi. “Làm gì có ai kiểm tra, họ chỉ nhìn số lượng thôi, xong qua ngay ấy mà”, chị Hậu nói.

Tối miền biên giới xuống rất nhanh, từ các lối mòn hai bên quả núi giữa cửa khẩu Chi Ma và cửa khẩu Ái Điểm (Trung Quốc), hàng ngàn chiếc xe thồ, những đôi quang gánh xuất hiện như đi chiến dịch.

Cửa khẩu Ái Điểm rộng đến hàng ngàn hecta, chính là kho tập kết đến 90% hàng đông dược nhập khẩu vào Việt Nam. A Lâm, người Trung Quốc, chủ một kho hàng lớn tại đây, nói tiếng Việt lơ lớ cho biết: “Hàng ngày chúng tôi vận chuyển 3 xe tải đông dược cỡ lớn sang Ninh Hiệp (Bắc Ninh) theo đơn đặt hàng. Loại nào chúng tôi cũng đáp ứng được, miễn là khách có nhu cầu”.

Theo tay A Lâm chỉ, chúng tôi thấy có đến hàng nghìn bao tải chứa dược liệu được xếp chồng chất lên nhau, với hàng trăm loại dược liệu, nhìn hoa cả mắt. Sâm, nấm linh chi, những dược liệu người dân vẫn coi như thần dược cũng bị vứt lăn lóc ở một góc tối trong kho.

Moi ra một miếng linh chi tai tượng, A Lâm bảo, loại này chỉ là hàng bình thường, nếu muốn lấy hàng xịn mai quay lại lấy loại có dấu của Hàn Quốc. “Giá cả thế nào?”. “Nấm linh chi có 4 loại, giá trung bình từ 20 tệ (1 tệ bằng khoảng 2.200 đồng) đến 150 tệ/kg. Còn loại có dấu Hàn Quốc thì đắt hơn, giá là 200 tệ/kg”. A Lâm bảo, loại 20 tệ được lấy nhiều nhất về Hà Nội và TP HCM. Tuy chất lượng loại này kém nhất, nhưng rẻ nên tiêu thụ tốt.

Mặt hàng sâm tươi Cát Lâm (có hình dáng củ sâm) cũng được tiêu thụ mạnh. Hình thức đẹp mà lại rẻ (45 tệ/kg) nên loại này cung không đủ cầu. Tuy vậy, A Lâm khuyên, nếu mua cho khách quen thì không nên dùng loại đó. Loại sâm Cát Lâm được đóng hộp có màu nâu đậm, giá 80 tệ/hộp có chất lượng tốt hơn. “Còn hàng sâm cắt lát, cứng như cái kẹo thì chẳng có gì để nói, uống vào chẳng biết bổ gì, vậy mà cũng nhiều người mua”, A Lâm vừa cười vừa nói.

Một chủ buôn đông dược ở bên Việt Nam sang lấy hàng mách nhỏ: “Nếu em mua buôn mặt hàng này thì nên lấy những loại giá thấp, vừa dễ bán, lại không bị tồn vốn. Bọn chị cũng chỉ lấy những loại rẻ tiền. Ví dụ như sâm Cát Lâm, em cứ lấy loại sâm tươi, có cả rễ trông đẹp mắt nhiều người thích lắm. Nhưng đây là sâm non, giá có vài chục tệ/ 1kg, về tha hồ mà bán lẻ tới vài chục ngàn đồng/lạng là lãi rồi”. Cũng theo chủ buôn này, nếu mua khéo, trừ hết các chi phí, bán sẽ lãi từ 70-100% mỗi mặt hàng.

Theo chủ một cửa hàng thuốc bắc ở phố Bắc Sơn (Lạng Sơn), nếu người mua không biết rất có thể sẽ mua phải hàng rởm. Ông này nói: “Cửa hàng tôi bán tam thất với giá 300.000 đồng/kg, nhưng nếu ra chợ Kỳ Lừa họ chỉ bán với giá 180.000 đồng/kg. Giá khác nhau như thế đương nhiên chất lượng cũng khác nhau. Họ sẽ trộn thêm củ tam lang hoặc củ nghệ trắng vào, trông cứ y như tam thất thật. Mua 1kg tam thất ở chợ sẽ mất 3 - 4 lạng bị trộn lẫn, đâu cũng vào đấy cả thôi”.

Ông này còn cho biết không bao giờ bán sâm tươi, vì thực chất đó là sâm non, được trồng thời gian ngắn, đầu năm trồng, cuối năm thu hoạch. Loại này không có chất bổ gì của sâm vì quá non. Sâm có chất lượng phải là sâm được trồng ở những vùng Cát Lâm, Liêu Ninh, Liêu Nguyên (Trung Quốc) với thời gian 3-5 năm.

Kể cả đông trùng hạ thảo cũng vậy, không nên mua bừa bãi, mất tiền oan. Phần lớn đông trùng hạ thảo được bán trên Ái Điểm chỉ là loại giả, được làm từ bột mì, rồi xoắn thêm lá cho giống, nên giá bán mới là 2 triệu đồng/lạng. Loại thật giá trên 10 triệu đồng/lạng và mua tại cửa khẩu Lào Cai mới đúng.

“Nếu người dân ham rẻ, vào những cửa hàng thuốc bắc, đông dược không có uy tín rất dễ mua phải những thang thuốc không có chất bổ”, ông chủ này khuyến cáo.

Một quan chức Bộ Y tế cho biết, hàng ngày có đến 40-60 tấn dược liệu được nhập về qua cửa khẩu Chi Ma. Vị quan chức này cũng thừa nhận, việc quản lý chất lượng dược liệu, đông dược tại các cửa khẩu cũng như tại các cửa hàng thuốc hiện nay đang là vấn đề khó khăn.

Để đối phó với tình trạng “loạn” chất lượng đông dược như hiện nay, thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang vừa ký văn bản yêu cầu Cục Quản lý dược sửa đổi ngay các quy định về cấp số đăng ký lưu hành, nhập khẩu với thuốc đông y, thuốc từ dược liệu, hạn chế việc nhập lậu. Chủ động kiểm tra đột xuất nguyên liệu đầu vào.

Thứ trưởng Quang cũng yêu cầu các trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm tăng cường lấy mẫu kiểm tra chất lượng dược liệu, đánh giá tình hình và đề xuất biện pháp quản lý gửi Bộ Y tế trước 30/11. Cơ sở sản xuất phải kiểm tra chất lượng trước khi đưa nguyên liệu vào sản xuất, chỉ đưa ra thị trường các thành phẩm đạt yêu cầu chất lượng.

Theo một kết quả kiểm tra của Thanh tra Bộ Y tế, 85/149 mẫu dược liệu được kiểm nghiệm năm 2006 và 6 tháng đầu 2007 không đạt chất lượng (xấp xỉ 60%). Qua kiểm nghiệm phát hiện một số mẫu dược liệu đã bị chiết xuất hết hoạt chất trước khi nhập khẩu vào Việt Nam như hoàng kỳ, nhân sâm.

Cũng theo báo cáo này, hiện phổ biến tình trạng hành nghề kinh doanh dược liệu, đông dược không phép: Chỉ 19/200 hộ kinh doanh tại Ninh Hiệp (Hà Nội) có giấy phép hành nghề. Tại chợ Cốc Lếu và Sa Pa thuộc tỉnh Lào Cai, hầu hết các cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, thậm chí một số cơ sở không có chức năng sản xuất thuốc đã sản xuất, lưu hành một số loại thuốc. Tình trạng trên cũng xuất hiện tại Móng Cái (Quảng Ninh) với 500 chủng loại thuốc kinh doanh chưa được phép lưu hành.

Thanh tra cũng đánh giá các cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu được khảo sát đều mua dược liệu trôi nổi, chưa kiểm tra chất lượng trước khi sản xuất, điều kiện vệ sinh chưa đạt, phiếu theo dõi đánh giá thuốc thành phẩm ghi đạt kết quả trước cả ngày sản xuất... Các cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc đông y, hầu hết đều có thuốc không được phép lưu hành, 50-70% hàng hóa là nhập lậu...

<EM>Theo Kinh tế&amp; Đô thị</EM>

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm