Tân Phú, Đồng Nai: Những dòng họ sống đẹp

Đến Tân Phú - Đồng Nai, ai cũng biết chuyện xã Phú Điền có bốn họ tộc “nổi tiếng”: Nguyễn - Trần - Phan - Phạm. Họ tập hợp lại để cùng nhau xây dựng một cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Mới đây, các họ tộc này đã được UBND tỉnh Đồng Nai khen thưởng và giới thiệu nhân rộng cách làm này cho toàn tỉnh học tập.

“Chim có tổ, người có tông”

Xã Phú Điền, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai có hơn một ngàn nhân khẩu, chủ yếu là người dân từ các tỉnh phía Bắc vào định cư, sống bằng nghề nông. Bác Nguyễn Văn Kiển, 68 tuổi, trưởng tộc họ Nguyễn với 60 hộ gia đình, cho biết: “Đi đâu, ở đâu cũng vậy, “chim có tổ, người có tông”, chúng tôi họp nhau thành lập dòng họ của mình. Lúc đầu việc lập họ tộc cũng làm đơn xin phép trên xã nhưng chẳng ai dám cấp phép. Thế là chúng tôi họp các gia đình cùng họ tộc, đề ra hương ước, nội quy của dòng họ với mục đích là giúp đỡ, đoàn kết nhau phát triển kinh tế, con cháu phải gắng học hành, không rơi vào tệ nạn xã hội”.

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã, người dân tự lập ra họ tộc để giúp nhau trong đời sống. Điểm đặc biệt là các thành viên trong họ tộc không chỉ là những người cùng chung huyết thống mà còn gồm những người có chung dòng họ. Các họ tộc không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, họ gắn kết nhau để chia sẻ buồn vui khi ma chay, cưới hỏi hay trợ vốn làm ăn lúc khó khăn, túng thiếu...

Tuy hoạt động mang tính tự phát nhưng các gia đình rất ý thức việc tham gia họ tộc và xem như đại gia đình. “Ở đây, gia đình nào không tham gia trong bất cứ họ tộc Nguyễn, Trần, Phan, Phạm sẽ cảm thấy như mình bị cô lập vậy” - ông Ngọc nói. Cả xã có hơn 120 nóc nhà thuộc bốn dòng họ. Tuy nhiên, cũng có những hộ không thuộc bốn họ trên nhưng sống tốt, gia đình hòa thuận cũng được tham gia vào bất cứ họ tộc nào. Hoạt động của các nhóm họ này không có “phép tắc” gì nhưng sức mạnh lại từ sự đoàn kết gắn các hộ gia đình lại với nhau.

Lập quỹ để chia sẻ, giúp nhau

Bác Kiển cho biết: “Để họ tộc hoạt động tốt, bác đề nghị mỗi hộ góp 5.000 đồng để làm quỹ ban đầu, rồi năm sau góp thêm 50.000 đồng nữa. Lúc mới thành lập, với số tiền ít ỏi, quỹ họ tộc chỉ dùng để hỗ trợ ma chay cho các gia đình. Đến cuối năm 1997, số họ tộc Nguyễn tăng lên 60 hộ. Tộc họ này quyên góp thêm mỗi hộ 125.000 đồng, tiền quỹ tăng lên gần 10 triệu đồng. Tiền quyên góp được giao cho thủ quỹ của họ tộc giữ rồi cho các hộ trong họ tộc vay để xoay sở lúc túng thiếu với lãi suất 3%/năm. Tiền lãi trong năm thu được dùng làm lễ cúng giỗ cho họ tộc hay làm quỹ khuyến học cho con cháu, giúp người nghèo trong lúc hoạn nạn.

Ông Trần Minh Vũ, trưởng tộc họ Trần bộc bạch: “Các họ tộc thành lập trước tiên là để uống nước nhớ nguồn, hàng năm làm lễ giỗ tổ để nhớ về tổ tiên. Thứ nữa, gắn kết trong họ tộc là để đoàn kết, giúp nhau cho vay vốn, tránh việc người nghèo lâm vào cảnh túng thiếu vay tiền lãi suất cao. Đã từng có nhiều hộ gia đình vỡ nợ vì phải vay nóng, đến khi không còn khả năng chi trả thì bỏ quê hương ra đi...”.

Theo bác Kiển, việc thành lập họ tộc rất hay vì nó đưa ra các quy chuẩn đạo đức để các gia đình theo đó mà sống đàng hoàng hơn. Hơn 14 năm qua, trong họ tộc Nguyễn chưa một ai vi phạm pháp luật hay vợ chồng cự cãi nhau lớn tiếng. Bác kể: có lần hộ anh Nguyễn Văn Đức tranh chấp đường dẫn nước với hộ kế bên. Hai gia đình thường xuyên cãi vã, đánh nhau. Xã nhiều lần mời lên giải quyết nhưng không được. Cuối cùng, công an phải phối hợp với trưởng tộc nói phải quấy, anh Đức mới chịu nghe làm hòa hai gia đình. Hay như cảnh nhậu nhẹt say xỉn, bỏ bê việc nhà của các ông chồng khiến các bà vợ phiền lòng, trưởng tộc phải đứng ra phân tích, hòa giải mới xong việc.

Không chỉ biết đến họ tộc mình, bốn họ tộc Nguyễn, Trần, Phan, Phạm vẫn hay gặp nhau trao đổi kinh nghiệm quản lý, cùng nhau nhắc nhở con cháu sống tốt, sống đẹp. Những gia đình trong các họ tộc đều đến từ nhiều miền quê trên cả nước với nhiều nét văn hóa riêng, tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Nhưng trên mảnh đất Phú Điền mà họ chọn để an cư lập nghiệp, họ đã gắn kết với nhau, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống...

QUỐC VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm