Tài xế xe ôm: Thiếu đồng phục lẫn biển hiệu sẽ bị phạt

Hôm qua (2-7), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) họp bàn chỉnh sửa dự thảo nghị định phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thay thế Nghị định 146 năm 2007 hiện đang còn áp dụng. Dự thảo lần này bổ sung thêm chế tài xử phạt người lái xe ôm hành nghề nhưng không có biển hiệu hoặc đồng phục như Thông tư 08 ngày 23-6 của Bộ GTVT bắt buộc phải có.

Vi phạm thì phải chế tài

Theo ông Trần Ngọc Thành, Vụ phó phụ trách Vụ Vận tải (Bộ GTVT), Thông tư 08 quy định biển hiệu hoặc đồng phục tài xế xe ôm do UBND cấp tỉnh quy định. Theo ông Thành, do thông tư không quy định chế tài xử lý vi phạm nên vụ đã kiến nghị Bộ bổ sung chế tài vào dự thảo nghị định thay thế Nghị định 146. “Đã là quy định bắt buộc thì phải có chế tài. Có thể mức phạt sẽ không nặng như các hành vi khác nhưng có bị phạt tiền thì những người hành nghề xe ôm mới tự giác chấp hành” - ông Thành nói.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Quyền Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, cho biết sau khi xem xét các ý kiến, ban soạn thảo đã quyết định bổ sung chế tài đối với người lái xe ôm. Theo đó, người điều khiển xe môtô, xe máy, xe thô sơ chở hành khách, hàng hóa không có biển hiệu hoặc trang phục, đồng thời hoạt động không đúng phạm vi, tuyến đường, thời gian quy định sẽ bị phạt tiền. Mức phạt theo dự thảo là 30-40 ngàn đồng.

Sợ xử phạt không xuể

Vậy nếu khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện vi phạm, tài xế xe ôm khẳng định không hành nghề mà chỉ đi đón người thân hoặc đi chơi thì có xử lý được không? Một thành viên ban soạn thảo cho rằng muốn xử lý được trường hợp này, lực lượng chức năng phải chứng minh được người đó hành nghề xe ôm. “Cũng như khi xử lý vi phạm về tốc độ, anh phải dùng súng bắn tốc độ thì mới phát hiện ra được các trường hợp vi phạm. Khi xử lý xe ôm, nếu anh phát hiện thấy các trường hợp không mặc đồng phục, không đeo biển hiệu đang chèo kéo khách, ngã giá đi xe thì hoàn toàn có thể căn cứ vào đó để xử phạt” - vị này nói.

Theo ông Thành, để tránh bị phạt, tài xế xe ôm nên chấp hành nghiêm quy định của Thông tư 08. Những điều kiện mà thông tư đặt ra cũng tương đối đơn giản, chỉ cần đồng phục hoặc biển hiệu là được phép hành nghề. “Với đồng phục thì bắt buộc các lái xe ôm phải tuân thủ theo mẫu do UBND cấp tỉnh ban hành. Còn với biển hiệu thì những người hành nghề có thể tự thiết kế. Biển hiệu có thể là một chiếc thẻ hoặc một tấm bảng thông báo “xe ôm” là được phép hành nghề” - ông Thành nói.

Vi phạm về uống rượu, bia: Mức phạt tối đa là 6 triệu đồng

Theo dự thảo nghị định thay thế Nghị định 146, tài xế ôtô có nồng độ cồn trong máu hoặc trong khí thở thấp sẽ bị phạt 500-700 ngàn đồng, phạt 2-3 triệu đồng nếu nồng độ cồn vượt quá 50-80 mg/100 ml máu hoặc vượt 0,25-0,4 mg/lít khí thở, đồng thời tước bằng lái xe 60 ngày. Trường hợp vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở sẽ bị phạt 4-6 triệu đồng, tước bằng lái xe 90 ngày.

Đối với người điều khiển xe máy mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở sẽ bị phạt 1-3 triệu đồng, tước bằng lái xe 60 ngày. Người điều khiển, người ngồi trên xe máy, xe máy điện, kể cả trẻ em trên sáu tuổi mà không đội mũ bảo hiểm hoặc đội nhưng không cài quai sẽ bị phạt 100-200 ngàn đồng.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm