Tai nạn giao thông: Chủ xe sốt ruột chờ “ông” bảo hiểm!

Hàng loạt doanh nghiệp, HTX vận tải ở TP.HCM vừa kiến nghị về sự bất hợp lý trong bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới quy định tại Nghị định 103 ngày 16-9-2008. Theo đó, bên mua là các doanh nghiệp, HTX chưa thực sự được bình đẳng với bên bán là các công ty bảo biểm.

Giải quyết dây dưa, chậm trễ

Theo Nghị định 103, công ty bảo hiểm được bán bảo hiểm bắt buộc đối với xe cơ giới thông qua các đại lý. Ông Đặng Chí Thiện, Phó Chủ nhiệm HTX Vận tải Hiệp Phát, cho biết trên giấy chứng nhận bảo hiểm thường chỉ ghi địa chỉ, số điện thoại của các phòng khai thác hoặc đại lý của công ty bảo hiểm. Khi tai nạn xảy ra, chủ xe, doanh nghiệp, HTX gọi điện thoại về các phòng, đại lý này thì được trả lời là họ sẽ báo cáo về công ty bảo hiểm để nơi này cử người có kinh nghiệm thẩm định, giải quyết tai nạn đến hiện trường. Do thủ tục rắc rối như vậy nên khi người của doanh nghiệp đến hiện trường thì đã chậm trễ.

Chưa kể là Nghị định 103 quy định ngày làm việc của công ty bảo hiểm theo Bộ luật Lao động (40 hoặc 44 giờ/tuần). Như vậy, những tai nạn xảy ra vào ngày nghỉ thì bên mua bảo hiểm phải đợi đến ngày công ty bảo hiểm làm việc trở lại mới có thể thông báo tai nạn. Ông Thiện nói: “Quy định giờ làm việc như vậy trái với nguyên tắc trong Nghị định 103 là khi xảy ra tai nạn, công ty bảo hiểm phải cử ngay người đến hiện trường cùng chủ xe giám định tổn thất về người, xe và khắc phục hậu quả”.

Ông Lâm Văn Phấn, Chủ nhiệm HTX Vận tải Việt Thắng, kiến nghị cần quy định mức xử phạt đối với các công ty bảo hiểm chậm trễ tham gia giải quyết tai nạn. Khi có tai nạn, chủ xe rất cần sự có mặt của công ty bảo hiểm ở hiện trường để giám định tổn thất, tạm ứng tiền ngay cho người bị nạn và chủ xe để khắc phục sự cố. Công ty bảo hiểm dây dưa, chậm trễ sẽ khiến các bên liên quan vụ tai nạn thêm bối rối trong việc giải quyết hậu quả.

Ông Nguyễn Tấn Lộc, Chủ nhiệm HTX Vận tải du lịch Hồng Hà, nêu ví dụ có một vụ tai nạn giao thông gây thương tích cho 20 hành khách. Do người của công ty bảo hiểm hướng dẫn không cặn kẽ từ đầu nên chủ xe chỉ lấy chữ ký xác nhận thỏa thuận bồi thường của một người đại diện nạn nhân. Khi đem giấy về, công ty bảo hiểm không chịu, bắt chủ xe phải đi từ Bắc chí Nam lấy cho đủ 20 chữ ký của nạn nhân. “Trong các trường hợp như thế, để thể hiện tính chuyên nghiệp, tận tâm thì công ty bảo hiểm cần cử người đi cùng chủ xe ngay từ đầu, hướng dẫn cặn kẽ họ lấy các loại giấy tờ từ cơ quan điều tra tai nạn, giấy thỏa thuận bồi thường, giấy chứng thương, biên lai tiền thuốc, viện phí... Chứ để chủ xe tự đi lo các loại giấy tờ trên thì khác nào đem con bỏ chợ!” - ông Lộc nói.

Chủ xe muốn có hồ sơ tai nạn: Phải “chạy”!

Theo Nghị định 103, công ty bảo hiểm và chủ xe cơ giới cùng có trách nhiệm thu thập, cung cấp các tài liệu liên quan vụ tai nạn giao thông để thiết lập hồ sơ bồi thường. Nhưng ở điều khoản khác, nghị định lại quy định trách nhiệm của cảnh sát điều tra, xử lý tai nạn giao thông phải cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến vụ tai nạn cho công ty bảo hiểm để giải quyết bồi thường.

Ông Lộc cho biết quy định trên đã trói buộc chủ xe thực hiện quyền được cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến vụ tai nạn từ phía cơ quan cảnh sát điều tra. Ông nói: “Chủ xe muốn có được các loại giấy tờ như biên bản, sơ đồ hiện trường, biên bản khám xe, thông báo sơ bộ kết quả điều tra vụ tai nạn từ phía cảnh sát điều tra là rất khó. Trong nhiều trường hợp, chủ xe phải... “chạy”!”.

Ông Thiện cho rằng sự thiếu nhất quán trong Nghị định 103 và bản quy tắc bảo hiểm bắt buộc đã tạo điều kiện để công ty bảo hiểm đẩy phần khó cho phía chủ xe tự lo rồi mới xem xét chi trả bồi thường sau. “Để tạo sự bình đẳng về quyền của chủ xe với công ty bảo hiểm, luật cần quy định thêm: Cảnh sát điều tra tai nạn giao thông phải cung cấp tài liệu về vụ tai nạn cho chủ xe” - ông Thiện kiến nghị.

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm