Sửa Luật Đất đai: Sẽ đưa đất trở lại giá trị thực?

Nhùng nhằng từ "định giá đất theo thị trường"

Ông Bùi Ngọc Tuân, Vụ phó Vụ đất đai (Bộ TN&MT) cho biết, tuy luật đất đai 2003 ghi rõ "định giá đất theo hướng sát với giá chuyển nhượng thị trường trong điều kiện bình thường" nhưng thực tế địa phương nào định giá ở mức cao nhất cũng chỉ bằng 60% so với khung giá Chính phủ. Nhiều địa phương do do bức xúc về thu hút đầu tư nên đã định giá thấp hơn so với giá thị trường.

Nguyên nhân bất cập, theo ông Đào Trung Chính, Vụ phó Vụ đăng ký đất là do lẽ ra, định theo giá thị trường thì mức giá sẽ lên xuống theo thị trường. "Nhưng mâu thuẫn là hiện chúng ta vẫn đang cố giữ mức giá ổn định để thuận lợi cho thu hút đầu tư".

Ông Trịnh Kiên Đĩnh, Phó GĐ Sở TN&MT Hà Nội cũng kiến nghị cần thay đổi cơ chế tài chính đất đai, xác định khung giá đất. Theo đó, việc mỗi năm địa phương lại điều chỉnh khung giá đất một lần là không hợp lý... "Có những dự án kéo dài 5 năm, 8 năm mới giải phóng xong mặt bằng. Năm nào cũng thông qua bảng giá đất mới, nên hộ nhận đền bù năm trước lại ít tiền hơn các hộ sau, dẫn đến nhiều chuyện kiện cáo lằng nhằng".

Ông Đĩnh kiến nghị, nên ban hành khung giá ổn định trong thời hạn 5 năm. Nhiều đại biểu đồng tình với đề xuất này.

Phó Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa Nguyễn Lương Thăng nhấn mạnh "những vấn đề xung quanh hạn mức đất, định giá đất có liên quan đến nguồn gốc về quản lý đất đai".

Ông Thăng phân tích, đất đai là sở hữu toàn dân nhưng quy định "giá đất theo giá thị trường áp dụng cho tất cả các loại đất" là bất cập. Ông Thăng dẫn chứng, Thanh Hóa xác định mức giá đền bù là 35.000 đồng/m2 đất nông nghiệp. Nhưng người dân lại kiện cáo, so sánh với những địa phương khác có mức đền bù tới 200.000/m2 đất nhà ở.

Theo ông Thăng, đất ở là đất công dân bỏ tiền ra mua vì vậy, khi đền bù phải xác định theo giá thị trường. Đất nông nghiệp, thủy sản, trồng trọt... là đất đai nhà nước giao cho dân sử dụng, vì vậy không nên đền bù theo giá thị trường. "Như vậy là vừa sinh ra khiếu kiện vừa gây thất thoát ngân sách nhà nước", ông Thăng nói.

Vụ phó Vụ đăng ký đất đai Đào Trung Chính kỳ vọng: việc sửa đổi lần này sẽ đưa đất đai trở về với giá trị thực.

Thất thoát khi cổ phần hóa doanh nghiệp

Việc xác định giá trị và quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp cũng như khi DN lên sàn giao dịch chứng khoán cũng là một trong những nội dung sẽ được làm rõ khi sửa đổi Luật đất đai lần này.

Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, một số DN trước khi lên sàn đã không phân định rõ giá trị đất đang thuộc sở hữu nhà nước với giá trị tài sản của DN dẫn đến "giá trị đất đai lẫn lộn trong hỗn hợp giá trị tài sản chung của doanh nghiệp".

Ông Nguyên dẫn chứng, có DN được định giá 100 tỷ đồng, nhưng 60% giá trị của DN là giá trị đất đai.

Theo ông Nguyên, mặc dù cơ quan thẩm định đã phát hiện và ngăn ngừa được nhiều trường hợp và Nghị định 181 đã quy định bóc tách hai phần giá trị tài sản riêng biệt song do vẫn còn nhiều trường hợp chưa rõ ràng minh bạch. Luật sửa đổi tới đây cần đưa ra giải pháp phù hợp.

Dự kiến, với 8 nội dung được xem xét, cân nhắc, Luật đất đai sửa đổi lần này sẽ khai thông ách tắc cho người dân, doanh nghiệp. Những vấn đề bức xúc như thống nhất sổ hồng, sổ đỏ, chính sách nhà ở cho người nước ngoài, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên:

Trong giá đất hiện nay phải lấy cái gốc là ở giá trị "đang sử dụng" chứ không tính giá trị "sẽ sử dụng". Người dân ít có ý kiến với các loại đất thu hồi vì mục đích công như đường xá, bệnh viện, trường học... Nóng nhất vẫn là sử dụng đất phục vụ cho quá trình đô thị hóa.

Sắp tới sẽ phải xây dựng trên cơ sở: Nếu trước đây phải đền bù cho dân khoảng 200 nghìn/m2, sau khi xây dựng đô thị, giá trị đã tăng lên gấp trăm lần thì bàn tay của nhà nước phải làm thế nào để điều chỉnh chênh lệch?

Khiếu kiện đất đai hiện nay đang tập trung vào mấy đối tượng: một là chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất đô thị, khiến cho chênh lệch địa tô quá lớn.

Thứ hai, những dự án mà quá trình đền bù mất nhiều thời gian, trong khi giá đất liên tục thay đổi. Thứ 3 là ở một số dự án giá đền bù cho dân còn thấp, do ngân sách nhà nước không đủ để làm. Tới đây sẽ có điều chỉnh với tất cả những vấn đề này.

Ngoài ra, có một vấn đề khác cần phải nghiên cứu đó là đối với các tổ chức phát triển quỹ đất xuống cấp huyện, sao cho trung tâm này đứng ra giải quyết giá đền bù để không có sự chênh lệch địa tô, đồng thời thực hiện cả nhiệm vụ tạo công ăn việc làm và tổ chức tái định cư. Tới đây sẽ chấm dứt tình trạng doanh nghiệp tự thoả thuận đền bù với dân.

Theo Lê Nhung (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm