Sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự: Có cơ chế xét xử 1 thẩm phán?

Các chuyên gia của VKSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp vừa thống nhất một số định hướng ban đầu cho việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự 2003.

Theo đó, ngoài nguyên tắc chung xét xử bằng tập thể thẩm phán, hội thẩm nhân dân và quyết định theo đa số thì sẽ áp dụng thêm cơ chế xét xử một thẩm phán. Cơ chế này vận hành trong những vụ xét xử theo thủ tục rút gọn cho nhanh chóng, tiết kiệm. Thủ tục rút gọn có thể được mở rộng sang cả án nghiêm trọng nhưng phạm tội quả tang, chứng cứ, lai lịch người phạm tội rõ ràng, người phạm tội nhận tội và án ít nghiêm trọng mà chứng cứ, lai lịch người phạm tội rõ ràng. Đáng chú ý là sẽ cân nhắc cơ chế “xét xử theo bút lục” ở khâu phúc thẩm trong những vụ đơn giản này.

Tăng quyền để VKS khỏi “lép vế”

Thực tiễn áp dụng luật thời gian qua cho thấy VKS thường “lép vế” trong quan hệ với cơ quan điều tra. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần có cơ chế tạo điều kiện để VKS trực tiếp điều tra nếu trong vụ án, VKS đã yêu cầu nhưng cơ quan điều tra không đáp ứng đầy đủ. VKS phải có quyền hạn, trách nhiệm cao hơn, chủ động hơn khi thực hiện chức năng công tố: Chịu trách nhiệm quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; áp dụng biện pháp ngăn chặn; truy tố; đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án...

Về thẩm quyền của tòa án thì cơ bản như hiện nay nhưng sẽ nghiên cứu bỏ những phần không thuộc chức năng xét xử. Chẳng hạn như bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của hội đồng xét xử vốn gần như không được áp dụng trong thực tế. Nếu qua xét xử mà tòa phát hiện tội phạm hoặc người phạm tội mới thì chỉ cần yêu cầu VKS khởi tố...

Về nhiệm vụ, quyền hạn của người tiến hành tố tụng, luật hiện hành giao rất nhiều cho người đứng đầu cơ quan điều tra, VKS. Trong lần sửa đổi này, những điều tra viên, kiểm sát viên trực tiếp thụ lý vụ án sẽ được toàn quyền ra các quyết định tố tụng. Lãnh đạo của họ chỉ tập trung kiểm tra, đôn đốc, trong trường hợp cần thiết thì rút, hủy bỏ quyết định của cấp dưới. Ngoài ra, sẽ cân nhắc bổ sung nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu cho cơ quan thuế, quản lý thị trường.

Phạm tội về kinh tế: Hạn chế tạm giam

Quyền của giới luật sư đã được tăng cường khá nhiều từ sau khi có Nghị quyết 08. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng của đội ngũ luật sư vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và luật sư vẫn rất khó tham gia ngay từ lúc khởi tố, bắt bị can.

Vì vậy, lần sửa đổi tới sẽ phải làm rõ hơn cơ chế bảo đảm thực hiện quyền bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo; xác định cụ thể hơn quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, tạo thuận lợi cho họ tham gia, giám sát quá trình tố tụng. Đồng thời cần mở rộng diện người bào chữa sang cả trợ giúp viên pháp lý nếu được bị can, bị cáo nhờ bào chữa.

Khắc phục tình trạng lạm dụng tạm giam cũng là một yêu cầu lớn trong lần sửa đổi luật này. Nhóm chuyên gia liên ngành cho rằng cần hạn chế áp dụng biện pháp nghiêm khắc này với một số loại tội như tội về kinh tế, tội mà phạt tiền là chủ yếu, tội do lỗi vô ý... Với những tội danh còn lại, cần quy định chặt chẽ căn cứ tạm giam, bám sát vào tính chất tội phạm, nhân thân người phạm tội và chính sách hình sự như yếu tố tiền án, tiền sự, người chưa thành niên, người già yếu, phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ. Đồng thời quy định rõ hơn, khả thi hơn để các biện pháp đặt tiền bảo đảm, bảo lĩnh, cấm đi khỏi nơi cư trú phát huy hiệu quả.

Các đề xuất định hướng trên sẽ được đưa ra Ban soạn thảo đề án sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự gồm lãnh đạo các cơ quan tư pháp trung ương để cho ý kiến trong thời gian tới.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm