Rừng Kon Plông bị chặt phá làm nương rẫy

Đáng tiếc hơn, ngay trên tuyến đường đi vào thủ phủ Khu du lịch sinh thái Măng Đen, một khoảnh đất rừng nguyên sinh rộng gần cả ha đã bị một số người dân địa phương chặt phá, cây rừng nằm la liệt, lửa cháy âm ỉ bốc khói nghi ngút, nhưng chúng tôi chẳng thấy cơ quan chức năng có trách nhiệm nào đến "hỏi thăm".

Xót thay, chúng tôi đi trên tuyến tỉnh lộ 676 từ trung tâm huyện Kon Plông vào các xã phía Đông Trường Sơn thuộc tỉnh Kon Tum, như: Măng Cành, Đăk Tăng, Măng Bút... nhiều vạt rừng cũng bị người dân triệt hạ cây cối không thương tiếc. Ngay cạnh trụ sở UBND xã Măng Cành, một khoảnh rừng bị người dân chặt hạ, cây gỗ nằm la liệt và đã bị cháy sém đen...

Vợ chồng A Ninh (35 tuổi, trú tại làng Kon Kum, xã Măng Cành) cho chúng tôi biết: "Người dân không có đất sản xuất thì mới phát rừng làm nương rẫy, chứ chặt phá cây rừng cũng tiếc lắm! Nhưng người dân chỉ phát những cánh rừng thưa cây, gỗ còn nhỏ và thuộc loại gỗ xấu thôi. Bọn lâm tặc từ đâu đến vào rừng của làng mình chặt toàn những loại cây to và gỗ quý, sau đó đem xe ôtô vào chở đưa đi nơi khác tiêu thụ mà có thấy ai vào bắt bớ gì đâu".

Làm việc với ông Phan Ngọc Vinh - Chủ tịch UBND xã Măng Cành, chúng tôi được biết: Thấy người dân phát rừng làm nương rẫy, cán bộ xã cũng nóng ruột lắm. Nhưng khi lực lượng của xã phối hợp với kiểm lâm viên phụ trách địa bàn đi kiểm tra rừng thì người dân "án binh bất động", đợi lúc không có lực lượng kiểm tra, truy quét thì người dân mới phát rừng làm nương rẫy. Nguyên nhân dẫn đến việc người dân trên địa bàn xã trong thời gian gần đây gia tăng phá rừng làm nương rẫy là do Nghị quyết 30 A của Chính phủ quy định giao rừng từ lâm trường về xã quản lý, nhưng đang trong thời gian tiến hành giao rừng cho xã quản lý thì người dân "tranh thủ" chặt phá rừng làm nương rẫy. Hơn nữa, giá mì hiện nay tăng cao, nên người dân phá rừng làm nương rẫy ngày càng nhiều.

Ông U S Long - cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông, vừa là kiểm lâm viên phụ trách xã Măng Cành - tâm sự: "Hạt Kiểm lâm huyện đang phối hợp cùng cán bộ địa chính xã tiến hành đo đếm số lượng cây bị chặt hạ và diện tích rừng bị phá để làm nương rẫy. Diện tích này gồm nhiều khoảnh, bình quân mỗi khoảnh trên 1.000m2. Diện tích rừng này thuộc Tiểu khu 478, trong đó nhà nước giao cho Lâm trường Măng Cành 1 quản lý một phần, còn một phần giao cho xã quản lý. Chúng tôi tổ chức điều tra, xác minh "thân chủ" của các khoảnh đất rừng này tại các làng trong xã, nhưng đến nay vẫn chưa có người dân nào nhận cả".

Theo số liệu tổng hợp mới nhất từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, tính từ đầu năm đến nay mới khoảng hơn 3 tháng, trên địa bàn huyện Kon Plông đã xảy ra 29 vụ phá rừng làm nương rẫy trái phép, với diện tích thiệt hại gần 10 ha. Như vậy, thực trạng phá rừng làm nương rẫy trên địa bàn huyện Kon Plông đã đến lúc phải báo động. Nên chăng, chính quyền các cấp ở huyện Kon Plông cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nữa mới hy vọng giữ được những cánh rừng nguyên sinh-nơi che chở cho Khu du lịch sinh thái Măng Đen phát triển trong tương lai.

 
Theo Tuấn Vũ (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm