Quảng Bình: Đại tang bên bờ sông Gianh

Hai ngày sau chuyến đò định mệnh, sáng mùng 2 Tết, chúng tôi trở lại Quảng Hải. Bờ sông phía nam bên bến đò vẫn âm ỉ tiếng khóc. Ba, bốn người đàn ông ôm vợ con vật vã khóc não nuột rồi gào thét. “Mạ ơi, răng mạ không về với con. Mạ ở chi dưới sông sâu lạnh lẽo...” - lời khóc than của mấy đứa con bà Phạm Thị Hồng, nạn nhân thứ 42 mới tìm thấy xác vào hôm qua.

Ngày Tết tang thương

Có mặt bên bờ sông từ sáng sớm, ông Đoàn Xuân Thiện, Chủ tịch UBND xã, nói trong đau buồn: “Mấy đứa con bà Hồng ngồi bên bờ sông khóc suốt mấy ngày nay để chờ người ta tìm xác mẹ. Gia đình bà nghèo khó nên mấy đứa con đều bỏ đi xa làm ăn.” Anh Cao Thanh Hà, con bà Hồng, ngồi bệt bên bờ sông tay cầm bó nhang khấn vái. Anh Hà nghẹn giọng: “Vì nghèo khó tui mới lưu lạc vào Nam phụ thợ hồ. một năm làm lụng vất vả chắt bóp được mấy triệu đồng định Tết này về góp thêm với mẹ để ra năm sửa lại căn nhà!”. Anh Hà đón chuyến xe về đến nhà đúng ngày 30 Tết. Vừa đặt chân đến bờ sông bên kia thấy cảnh hoảng loạn. Chưa kịp về bờ sông phía quê nhà thì nghe tin mẹ chết.

Quảng Hải ngày Tết không có một tiếng hát hò, tiếng cười đùa của đám trẻ con. Tất cả đều chìm nghỉm trong tiếng khóc. Tất cả bàn thờ dựng lên đều thiếu di ảnh người chết. Làng Vân Trung có dòng họ khóc cho một gia đình. Anh Phạm Xuân Hồng mất vợ là chị Cao Thị Lan đang mang thai ba tháng. Hai vợ chồng anh lấy nhau đã chín năm nhưng vẫn không có con. Cả tám năm nay làm được bao nhiêu là chạy khắp nơi chữa trị. Vậy mà chị vừa có thai thì đã mất.

Quảng Hải là một rẻo đất cù lao nằm giữa dòng sông Gianh (Quảng Trạch, Quảng Bình). Ông Cao Xuân Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã, nói: “Cái nghèo, cái đói bao đời nay đã làm cho dân nơi đây vật vã. Bây giờ lại thêm cái đại tang đúng ngày 30 Tết này đưa nhiều gia đình vào cảnh bần cùng, không thể đứng dậy nổi”.

Trên chuyến đò vượt sông Gianh, chúng tôi vô tình gặp ông Cao Xuân Thành tay ôm bó nhang, mấy chục giấy vàng mã mới mua về đốt cho vợ con. Mặt ông Thành đờ đẫn, hom hem sau nỗi mất mát lớn. Ông run rẩy: “Trời đã lấy hết rồi, chú ơi! Vợ, đứa con gái và cả đứa cháu đang nằm trong bụng đều đi hết rồi, đau quá! Mấy hôm nay cả nhà đứng ngồi không yên. Thằng cu nhỏ nhà tui mới bảy tuổi hai đêm nay cứ đứng trên nhà nhìn xuống hỏi mẹ, khóc lóc không chịu ngủ”. Ông ôm mặt khóc hu hu như đứa trẻ.

Nhiều đàn ông trong ngôi làng Vân Trung đã ngất lịm đi trước cái chết thê thảm của vợ con buộc phải nhập viện.

39 đứa trẻ mồ côi

Ông Trần Mạnh Hổ, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hải, không kìm được nước mắt: “Tưởng đâu chuyến đò cuối năm ấy sẽ góp thêm niềm vui, sự sung túc cho ngày Tết: Đứa con nhỏ sẽ có cái quần, đôi dép sau chuyến đò của mẹ, người chồng sẽ mặc chiếc áo mới sau một năm lam lũ. Ai ngờ chuyến đò đã cướp đi tất cả. Chuyến đò định mệnh ấy đã cướp đi những người mẹ của 39 đứa trẻ ở Quảng Hải”. Ông Hổ nói không biết những đứa trẻ mới sinh ra ấy mai đây sẽ sống ra sao khi không có mẹ. Vùng quê này đã vất vả, giờ mất bàn tay phụ nữ. Rồi đây hàng chục đàn ông phải gồng gánh thay vợ để nuôi con nhưng khó lòng kham nổi.

Ở Quảng Hải có nhiều đứa trẻ mới sinh ra mấy tháng đã mất mẹ. Chị Oanh - vợ anh Lê Xuân Thắm mất đi để lại bốn đứa con thơ dại. Hai ngày nay, đứa con út chưa đầy hai tháng tuổi được bà con bồng chạy khắp làng để xin sữa bú.

Những vụ đắm đò thảm khốc

- Chìm đò Nông Sơn, 18 học sinh chết: Ngày 19-5-2003, chiếc đò đưa học sinh qua bến Cà Tang, xã Nông Sơn, Quảng Nam bị lật úp.

- Chìm đò Diễm Tín ở Cà mau, 49 người chết và 10 người mất tích: Tai nạn xảy ra ngày 30-4-2004 ở biển Hòn Khoai, tỉnh Cà Mau. Con tàu không đảm bảo an toàn đã chở đến hơn 150 người vào thời điểm xảy ra tai nạn.

Người dân cả nước đã đóng góp tiền xây cây cầu Nông Sơn bắc qua sông Thu Bồn ở vị trí xảy ra vụ chìm đò khiến 18 em học sinh thiệt mạng. Ảnh: ĐỨC HIỂN
Người dân cả nước đã đóng góp tiền xây cây cầu Nông Sơn bắc qua sông Thu Bồn ở vị trí xảy ra vụ chìm đò khiến 18 em học sinh thiệt mạng. Ảnh: ĐỨC HIỂN

- Chìm đò Chôm Lôm, 19 học sinh thiệt mạng: Tai nạn xảy ra ngày 7-10-2006 tại bến Chôm Lôm, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An). Chủ đò đã chở đến 57 người trong khi con đò chỉ đủ sức chở không quá 30 người.

- Chìm đò ở Phú Thọ, 11 người chết: Tai nạn xảy ra ngày 24-10-2006 trên Sông Đà đoạn qua xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Chủ đò đã chở quá tải và nhiều hàng hóa cồng kềnh khiến đò bị lật úp.

- Chìm đò ở Sóc Trăng, năm em học sinh và một phụ nữ chết: Ngày 24-1-2008, chiếc đò ngang qua kênh Thạnh Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng bị chìm khiến sáu người thiệt mạng. Được biết, con đò có sức chở chỉ 20 người nhưng chủ đò đã chở đến 30 người.

NHẬT HÒA

HỮU KHÁ - NGUYÊN LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm