Phá đường dây làm giả trên 500 giấy phép lái xe

Kẻ có khả năng biến điều không tưởng này thành sự thật là Nguyễn Hồng Sơn (SN 1963, trú phường Thanh Miếu, TP. Việt Trì, Phú Thọ. Trong giới sản xuất và tiêu thụ GPLX giả, Sơn được gọi là “siêu nhân” vì hắn có biệt tài làm chữ ký, tài liệu giả. Theo công an tỉnh Phú Thọ, cho đến thời điểm hiện nay, cơ quan điều tra xác định đường dây này đã tiêu thụ trót lọt trên 500 GPLX giả thu lời trái phép hàng tỷ đồng.

Đây thực sự là hiểm họa vì những người chưa qua đào tạo lại mù tịt về luật đã điều khiển ôtô trên đường rất có thể gây ra những vụ tai nạn thảm khốc.

Phá đường dây làm giả trên 500 giấy phép lái xe ảnh 1
Tang vật vụ án

Quá trình nắm địa bàn, trinh sát phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Phú Thọ nắm được nguồn tin có nhiều đối tượng đang chào bán GPLX ôtô, xe máy với giá rẻ. Đặc biệt, chỉ cần nộp đủ tiền, ảnh, một tuần sau sẽ nhận được GPLX. Nội dung quảng cáo này gây được sự chú ý của rất nhiều người bởi tại các tỉnh vùng sâu vùng xa như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La..., để đăng ký một khóa học lái xe không hề đơn giản.

Xác minh nguồn tin, trinh sát khẳng định đây không phải là tin đồn, qua đường dây này hàng trăm người đã có GPLX các loại mà không cần đi học. Lần theo những thông tin thu thập được, các trinh sát phải tìm đến nhiều địa phương để dò hỏi. Có trường hợp phải nằm lại đó vài ba ngày vì đối tượng xác minh đang lái xe đi trả hàng tại tỉnh khác.

Cuối cùng, những gian nan của trinh sát được đền đáp khi Công an Quảng Ninh kiểm tra và phát hiện một lái xe sử dụng GPLX giả. Đối tượng này khai nhận mua GPLX của Mai Văn Phương (SN 1967, trú tại phường Nông Trang, Việt Trì, Phú Thọ).

Khi có đủ chứng cứ, tài liệu, cơ quan điều tra thực hiện ngay lệnh bắt khẩn cấp đối với Mai Văn Phương.

Phá đường dây làm giả trên 500 giấy phép lái xe ảnh 2
Các đối tượng trong đường dây

Phương khai, hắn và Nguyễn Hồng Sơn tình cờ quen nhau tại một bãi sát hạch lái xe ở Phú Thọ. Biết Phương làm “cò” ở các bãi sát hạch lái xe, Sơn đề nghị Phương làm “đại lý cấp một” cho mình. Nhiệm vụ của Phương là tìm người có nhu cầu mua GPLX. Với một GPLX môtô, Sơn thu 650 ngàn đồng; một GPLX ôtô hạng B2 thu 7 triệu đồng; GPLX ôtô hạng C thu 13 triệu đồng. Hai bên thỏa thuận, Sơn trả cho Phương 2 triệu/một đơn hàng còn các “chân rết” của Phương phải kiếm tiền bằng cách tự nâng giá với người có nhu cầu, chính vì thế có nhiều người phải bỏ ra tới 17 triệu đồng để có GPLX. Một điều kiện đặc biệt là Phương không được phép đưa người mua bằng đến gặp Sơn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Sơn rất khéo tay, vẽ rất đẹp và từng được đào tạo bài bản tại trường Cao đẳng mỹ thuật. Khi tốt nghiệp, Sơn về quê sinh sống bằng nghề chạm khắc đá. Cái nghề chạm đá vất vả, độc hại lại lâu giàu nên được ít ngày, Sơn quăng đục quyết chí làm giàu bằng cách làm giả giấy tờ, con dấu của các cơ quan nhà nước. Ban đầu Sơn nhận làm giả giấy phép lái xe máy, thấy tay nghề của Sơn khá, nhiều đối tượng tiêu thụ xe gian đến nhờ làm giả đăng ký xe. Mất vài ngày nghiên cứu mẫu, Sơn cho ra lò mẻ “sản phẩm” đầu tiên.

Cầm những đăng ký xe giả, các đối tượng đặt hàng cũng phải kinh ngạc vì nó giống như thật, không mấy người có thể phát hiện ra sự khác biệt. Mới bước chân vào nghề, còn thiếu kinh nghiệm che chắn nên Sơn bị bắt và bị kết án tù.

Rút kinh nghiệm sau lần bị bắt, ra tù, Sơn tiếp tục hoạt động ráo riết với thủ đoạn tinh vi gây không ít khó khăn cho cơ quan điều tra. Mỗi khi nhận được “đơn hàng”, Sơn đóng kín cửa, xung quanh nhà có lắp hệ thống camera an ninh, chỉ một biến động nhỏ, Sơn cũng phát hiện ra và tẩu tán tang vật ngay.

Trước khi hoàn chỉnh GPLX giả, đích thân Sơn hay các đại lý cấp một đến trung tâm sát hạch nắm tình hình xem hôm đó ai nằm trong ban sát hạch, ai là giám thị 1, giám thị 2. Có đủ thông tin, Sơn về điền vào bộ hồ sơ và làm giả luôn chữ ký của các sát hạch viên. Khi cơ quan công an đem những chữ ký giả này đến, các sát hạch viên cũng không thể nhận ra chữ ký là giả hay thật.

Đầu tư nhiều công phu như vậy nên những GPLX giả do Sơn làm rất khó phát hiện đến nỗi có đối tượng bị thu GPLX nhưng sau đó được trả lại vì cơ quan chức năng không phát hiện ra vì nó chính xác đến từng chi tiết, lớp học, ngày sát hạch lại có đủ tên tuổi, chữ ký của sát hạch viên. Không chỉ làm giả biên bản chấm thi, Sơn còn làm giả cả biên lai thu phí sát hạch lái xe ôtô; chứng chỉ cấp sổ nghề, giấy chứng nhận sức khỏe và đơn đề nghị học lái xe...

Mở rộng điều tra vụ án, cơ quan công an bắt khẩn cấp thêm 5 “đại lý cấp một” của Sơn gồm: Lê Trọng Tấn (SN 1983, trú huyện Thanh Ba), Nguyễn Ngọc Hòa (SN 1987, trú huyện Hạ Hòa, Phú Thọ), Hán Văn Học (SN 1986, trú thị trấn Phong Châu, Phú Thọ), Đỗ Xuân Vỵ (SN 1970) và Nguyễn Đức Độ (SN 1977, cùng trú huyện Thanh Ba, Phú Thọ).

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng đã xác định hàng chục đối tượng khác là chân rết của các “đại lý cấp một” này. Theo đánh giá của cơ quan công an, đây là đường dây làm giả GPLX quy mô đặc biệt lớn, thủ đoạn hoạt động tinh vi, có tổ chức chặt chẽ. Số lượng GPLX giả đã tiêu thụ có thể sẽ lớn hơn con số 500 mà cơ quan điều tra ban đầu xác định. Hiện cơ quan công an đang ráo riết truy bắt Nguyễn Hồng Sơn để phanh phui toàn bộ sự thật. 
  

Theo H.P - M.L (CATP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm